Hà Nội phát hiện 3 học sinh bị sốt trong ngày đầu quay lại trường học

ANTD.VN - Chiều 4-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội đã họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp

Dỡ lệnh phong tỏa Hạ Lôi vào 0h ngày 6-5

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đến nay, huyện đã trải qua 19 ngày không nghi nhận ca mắc Covid -19 mới.

Trong 5 ngày qua, huyện phát hiện 6 ca nghi ngờ ở thôn Hạ Lôi; tất cả được lấy mẫu và cách ly tại bệnh viện Bắc Thăng Long; kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Hiện, toàn huyện còn 26 trường hợp còn phải cách ly: 3 trường hợp F1 ở xã Mê Linh cách ly tập trung ở cơ sở của thành phố; 23 trường hợp cách ly theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (13 ca dương tính và 13 trường hợp nghi ngờ).

Huyện cũng tiếp tục theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày với 616 người đã hết thời gian cách ly tập trung nhưng vẫn tự nguyện tiếp tục cách ly ở nhà thêm 14 ngày.

Huyện cũng đã xây dựng xong kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể triển khai các biện pháp y tế và từng bước ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) sau khi có lệnh hết cách ly.

Dự kiến 0h ngày 6-5, huyện Mê Linh sẽ công bố quyết định kết thúc cách ly nếu trong ngày 5-5, huyện không có ca mắc mới.

“Việc dỡ bỏ lệnh cách ly sẽ được thực hiện đúng quy định phòng dịch với đại diện của nhân dân nhưng không quá 20 người.

Huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không phải chủ quan dỡ lệnh cách ly là đi lại tự do”, ông Trọng khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Thường Tín ra quyết định hết cách ly với ổ dịch ở địa bàn khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố theo quy định. 

Ưu tiên học sinh cuối cấp học đủ tuần

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, bắt đầu từ ngày hôm nay 4/5, các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy, học trở lại.

Sở GD&ĐT đã thành lập 6 đoàn cùng với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra tại các trường học.

Các trường đều thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống dịch; sĩ số học sinh quay lại trường đông, mọi hoạt động diễn ra bình thường không có gì biến động.

Trong ngày 4-5, đã có 224/226 trường THPT quay lại học hoạt động bình thường. (Trường THPT FPT xin được chuẩn bị tốt hơn sau thời gian được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của TP; Trường THPT Tiền Phong, thuộc xã Mê Linh nằm vùng cách ly nên trường cũng đề nghị sau cách ly sẽ quay lại học từ ngày 7-5).

Trong 628 trường THCS chỉ còn trường THCS Mê Linh nằm tại ổ dịch ở thôn Hạ Lôi nên chưa quay lại học được và 66 học sinh thuộc thôn Đông Cứu, của trường THCS Dũng Tiến vẫn thuộc diện cách ly….

Ông Dũng cho biết, khó khăn các nhà trường gặp phải hiện nay là việc giãn cách học sinh khi phải ưu tiên học sinh cuối cấp là lớp 9 và lớp 12 học đầy đủ các buổi trong tuần, đảm bảo việc ôn thi sắp tới. Các khối còn lại học cách nhật.

“Thực tế yêu cầu gia tăng số lượng cũng như cường độ làm việc của các giáo viên. Nếu việc này diễn ra trong một thời gian ngắn thì các thầy cô giáo đảm đương được, nhưng nếu kéo dài thì sẽ gặp nhiều khó khó khăn”, ông Dũng nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng thông tin, chiều 4-5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có về thăm và kiểm tra công tác tại trường THPT Phan Đình Phùng và đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch bệnh đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo…

Tại phiên họp, các quận huyện cho biết, trong sáng 4-5 đã tiến hành giám sát chặt chẽ công tác phòng dịch ở các trường học; kiểm tra số lượng học sinh đến trường và xác minh các trường hợp không đến trường. Cá biệt có một số ít học sinh không đến trường vì quên lịch đi học. Trong ngày có 3 học sinh khi đến trường có biểu hiện sốt đã được các trường tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời...

Chưa có phản ảnh chi trả sai đối tượng

Liên quan đến việc thực hiện Nghị Quyết 42 và Quyết định số 1757 của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, toàn TP có 414.922 đối tượng thuộc diện người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo cần trợ cấp với tổng kinh phí là 505.607 tỷ đồng.

Ngay khi thành phố ban hành Quyết định ngày 27/4, tất cả các quận, huyện, thị xã đã triển khai ngay việc rà soát, lập danh sách, chi trả. Các quận huyện có nguồn lực đã bố trí giải ngân ngay; có nơi do vướng mắc nguồn lực đã vay vốn để chi trả ngay cho người dân liên tục từ 27/4 đến hết 3/5.

Trong quá trình triển khai, nhiều quận, huyện đã rất tích cực bố trí nguồn lực đảm bảo chi trả kịp thời. 5 quận, huyện chi trả đạt trên 95% là: quận Đống Đa, Cầu Giấy Thanh Trì, Hoài Đức và Mê Linh… Sau khi các quận, huyện kết thúc chi trả, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác trên.

“Bước đầu sở chưa nhận được thông tin nào phản ánh về việc chi trả sai, không đúng đối tượng hay gây phiền hà, khó dễ cho người dân”, bà Nhàn nói.