Hà Nội: Nước sông rút về mức an toàn, khẩn trương khắc phục sản xuất, ổn định đời sống người dân

ANTD.VN - Chiều 7-8, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, hiện nay, mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang rút về mức bình thường. Tình hình úng ngập tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết.

Hiện nay mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang rút về mức bình thường

Mưa lớn kỷ lục gây ngập úng

Báo cáo về tình hình mưa, úng ngập và công tác khắc phục hậu quả úng ngập trên địa bàn thành phố, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UBND TP Hà Nội) Đỗ Đức Thịnh cho biết, trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và áp thấp nhiệt đới nên khu vực Hà Nội, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Tổng hợp lượng mưa do bão số 3 gây ra từ 7 giờ ngày 17-7 đến 7 giờ ngày 6-8-2018 đo được điểm lớn nhất tại huyện Ứng Hòa là 566mm, điểm nhỏ nhất tại Láng là 309,5mm. Tính đến hết tháng 7-2018, lượng mưa trung bình trên toàn Thành phố là 1.110,4mm.

Lượng mưa lớn, diện rộng khiến nước các sông Bùi, Tích, Đáy dâng cao gây tràn một số tuyến đê vùng, gây úng ngập một số khu vực tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Tổng hợp sơ bộ về tình hình thiệt hại do mưa bão, ngập úng gây ra, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, tổng thiệt hại trong đợt úng ngập từ ngày 17-7 đến ngày 6-8-2018 khá nặng nề. Trong đó, có 4.425,48 ha lúa bị ngập trắng, 5.167,3ha lúa bị ngập sâu, 883,4ha thủy sản bị ngập trắng cùng 4.655 hộ (22.359 người dân) bị ảnh hưởng. Tại huyện Chương Mỹ - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, ước tính tổng thiệt hại khoảng 264,564 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua trên địa bàn huyện có hơn 3.600 hộ dân bị ngập nặng, 1.202,60 ha lúa bị thiệt hại, 26.105 m đê bị ngập, 5 trường học trên địa bàn bị ngập sâu trong nước; 15 đình, chùa bị hư hỏng...

Cập nhật công tác khắc phục hậu quả úng ngập, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, để khắc phục tình trạng úng ngập khu vực ngoại thành, các Công ty thủy lợi đã vận hành các trạm bơm tiêu. Thời điểm cao nhất huy động 298 trạm bơm tiêu với 1.096 máy bơm; tổng lưu lượng bơm 2,8 triệu m3/giờ. 

Tính đến hết ngày 5-8-2018, toàn bộ diện tích lúa ngập sâu (5.167ha) đã được bơm tiêu cứu lúa. Diện tích ngập trắng 4.425ha mất khoảng 40% phải cấy lại hoặc cấy dặm. Diện tích hoa màu bị dập nát một phần đang được người dân chăm sóc và phục hồi là 270ha. 

Sớm ổn định cuộc sống người dân vùng lũ

Hiện nay, mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang rút dần về mức bình thường. Tình hình úng ngập tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, tại huyện Chương Mỹ, vẫn còn một số điểm úng ngập ở các xã Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ… Dù vậy, công việc tiếp theo vẫn còn rất lớn bao gồm việc khẩn trương khôi phục sản xuất; tập trung công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ, sớm ổn định cuộc sống người dân...

Cũng theo đại diện huyện Chương Mỹ, tới nay, công tác cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ đã được Thành ủy, UBND TP quan tâm, chỉ đạo. Cùng với đó, các ngành liên quan cũng đã phối hợp cùng các huyện chịu ảnh hưởng tập trung trong công tác bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi, y tế, vệ sinh môi trường trong vùng úng ngập.

Liên quan đến công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong đợt ngập lụt vừa qua, ông Hoàng Minh Hiến cho biết, đến nay, huyện đã nhận được hơn 6,1 tỷ đồng tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm từ các cá nhân, tổ chức. 

Huyện Chương Mỹ cũng đã hỗ trợ cho các xã, thị trấn úng ngập gần 90 tấn gạo, hơn 14.000 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm khác. Theo ông Hiến, trong năm 2017, huyện Chương Mỹ nhận được hơn 4.000 thùng mì tôm. Như vậy, trong năm 2018, người dân huyện Chương Mỹ được hỗ trợ mì tôm gấp 4 lần năm ngoái.

“Toàn bộ hàng cứu trợ đã được chuyển đến từng gia đình, không có người dân nào bị đói khát. Số tiền viện trợ, thời gian tới chúng tôi chia sẻ đến những gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, đảm bảo công bằng, chính xác”, ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nói.

Bàn về giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Hiến cho biết, do khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhưng nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.

Để người dân 4 xã sống bên đê hữu Bùi có cuộc sống ổn định yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải “sống chung với lũ”, UBND huyện Chương Mỹ đề xuất cho xử lý toàn bộ tuyến đê tả Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu từ nay đến trước lũ năm 2019 thực hiện thí điểm một số đoạn trên đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500m.

Huyện đề nghị thành phố bố trí 447 tỷ đồng vốn đầu tư để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở; xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp; 7 dự án trường học để đạt chuẩn quốc gia...