Hà Nội: Người dân có thể tránh tuyến đường ngập lụt bằng smartphone

ANTD.VN - Mùa mưa bão đang bắt đầu, người dân Hà Nội nay đã có thể sử dụng phần mềm HSDC Maps trên smartphone để giảm thiểu tối đa nguy cơ khổ sở phải dắt xe qua các tuyến đường bị ngập.

Ứng dung HSDC Maps dễ sử dụng và hữu ích

Ứng dụng này do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng và hiện có thể tải miễn phí trên hệ điều hành Android, iOS. Qua trải nghiệm ban đầu, HSDC Maps được coi là bản đồ chi tiết về ngập lụt tiện dụng và hữu ích cho người dân trong mùa mưa bão sắp tới.

Ứng dụng này sẽ cung cấp thông tin hiện trạng các trạm đo lưu lượng mưa và mức dâng của nước trong toàn thành phố; Cung cấp các tuyến đường thay thế, đường vòng để tránh các điểm đang ngập. Đặc biệt, dữ liệu gửi tới người dùng bao gồm thông tin, hình ảnh về các điểm ngập tại thời điểm hiện tại sẽ được làm mới một cách linh hoạt, chính xác.

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó phòng Đối ngoại Truyền thông (Công ty TNHH TMV Thoát nước Hà Nội) cho biết Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã hoàn thành việc lắp hệ thống camera giám sát tại các điểm ngập nặng, đồng thời hoàn thiện ứng dụng HSDC Maps trên Smartphone giúp người dân tránh các điểm ngập úng.

Để cung cấp thông tin chính xác cho ứng dụng đơn vị đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 16 địa điểm thường xuyên úng ngập nặng nằm trên địa bàn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. Hệ thống camera sẽ theo dõi hình ảnh tại các điểm ngập cả ngày lẫn đêm nhờ công nghệ hồng ngoại.

Từ lúc đưa vào sử dụng thử nghiệm phần mềm (tháng 3-2018), từ khi triển khai, đến nay, số người tải phần mềm HSDC Maps về sử dụng đã đạt 4.704 lượt. Trong đó, số lượt cài đặt trên thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS là 3.266, số lượt tải về cài đặt trên thiết bị sử dụng hệ điều hành Android là 1.438. Qua hệ thống phần mềm ứng dụng này này, Công ty đã nhận được hơn 200 thông tin cảnh báo úng ngập do người dân cung cấp.

Toàn bộ hệ thống dữ liệu ghi nhận được sẽ được truyền về trung tâm giám sát. Thông qua hình ảnh thực tế cung cấp từ hiện trường này, trung tâm sẽ điều phối nhân lực, thiết bị, máy móc để xử lý việc úng ngập kịp thời, linh hoạt. Sau một thời gian thí điểm, nếu hiệu quả cao, công ty sẽ đề xuất TP cho phép triển khai mở rộng.

Toàn bộ thông tin về địa điểm, tình trạng ngập úng được công bố trên trang web chính thức của đơn vị. Bên cạnh đó, dữ liệu tích hợp sẽ được cập nhật lên hệ thống ứng dụng cảnh báo ngập và chỉ đường (HSDC) được đơn vị này triển khai trước đó hỗ trợ miễn phí cho người dân phòng tránh ngập khi di chuyển..

Sau khi tải và cài đặt thành công phần mềm HSDC Maps, người dùng có thể biết lượng mưa, hiện trạng cũng như dự báo khả năng ngập do mưa trên các tuyến đường, diễn biến triều cường trên địa bàn và cả hình ảnh ngập qua các camera giám sát ngập. Từ đó, người dân có thể chọn cho mình cách di chuyển hợp lý, an toàn trong mùa mưa.

Giám sát trực tuyến các điểm hay ngập bằng hình ảnh giúp công tác phòng chống ngập lụt chủ động hiệu quả hơn

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trước khi có hệ thống camera giám sát thì toàn bộ công tác điều hành tại các điểm chống ngập đều được thực hiện qua bộ đàm và điện thoại. Sau khi mưa khoảng 15 - 20 phút, lực lượng ngoài hiện trường mới có báo cáo bằng bộ đàm hoặc điện thoại về Công ty xin ý kiến chỉ đạo.

Hiện nay, khi hệ thống camera giám sát ngập úng ra đời thì toàn bộ công tác điều hành tại các vị trí ngập úng trở nên rất đơn giản. Thông qua hình ảnh, thông tin từ camera truyền về thì có thể bố trí lực lượng sao cho phù hợp với từng vị trí úng ngập, điều phối tăng cường lực lượng cơ giới, máy bơm đến những điểm có nguy cơ ngập sâu. Do đó thời gian úng ngập tại các điểm này đã rút ngắn ít nhất được 30 phút.

Mỗi ca trực, tại trung tâm giám sát hệ thống thoát nước luôn có ít nhất 2 cán bộ nhân viên túc trực quan sát kỹ lưỡng. Với khoảng 43 máy đo lượng mưa trên toàn bộ khu vực, 16 camera giám sát cùng với tính toán dự báo trước 1 tiếng đồng hồ, đơn vị này luôn đưa ra thông tin, tình trạng nhanh chóng các điểm ngập úng tới người dân…

Ông Uyên cho biết, kinh phí lắp đặt camera tại 16 điểm úng ngập do công ty tự đầu tư thí điểm. Sau một thời gian thí điểm, nếu hiệu quả cao sẽ đề xuất TP cho phép triển khai mở rộng.