Hà Nội nên tập trung phát triển kinh tế xanh

ANTĐ - Bên lề phiên khai mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội nên tập  trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức.
Hà Nội nên tập trung phát triển kinh tế xanh ảnh 1

Ảnh: PHÚ KHÁNH

- Đồng chí đánh giá như thế nào về đóng góp của Hà Nội trên lĩnh vực kinh tế trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Cùng với TP.HCM, Hà Nội giữ vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và TP.HCM những năm qua đều rất cao, hơn mức bình quân cả nước từ 1,5-1,6 lần, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung cũng như xuất khẩu của cả nước, đặc biệt là thu ngân sách rất lớn. 

Đáng chú ý, tổng mức đóng góp của Thủ đô vào ngân sách Trung ương tuy không bằng TP.HCM về tỷ trọng nhưng tổng thu nội địa Hà Nội đóng góp vào ngân sách Trung ương lại lớn nhất, nhiều hơn so với TP.HCM. Điều đó chứng tỏ lực lượng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc thời gian qua. Chúng tôi luôn theo dõi và thấy rằng, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành hết sức quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, tạo xung lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

- Nhiệm kỳ 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 8,5-9%/năm, đồng chí bình luận gì về con số này?

- 5 năm tới, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng 8,5-9%/năm theo chuẩn mới là rất cao. Tôi xin lưu ý là cả nước chỉ đặt mục tiêu 6,5-7%. Bởi theo cách tính mới, các tỉnh trước đây tăng trưởng 13-14% quy lại theo chuẩn mới chỉ còn 7-8%. Do đó, Hà Nội đặt mục tiêu như trên là rất tích cực. 

Hà Nội nên tập trung phát triển kinh tế xanh ảnh 2

- Theo đồng chí, trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn, để chỉ tiêu trên đảm bảo tính khả thi, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp nào?

- Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao như trên, Hà Nội cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những điểm Hà Nội đã nêu trong Báo cáo chính trị mà chúng tôi rất đồng tình là thành phố phải tập trung phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Đó mới chính là thế mạnh, tiềm năng của Thủ đô. Tất nhiên, để làm được, thành phố phải có giải pháp để quy tụ, tranh thủ được đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, trí thức cả nước cùng tham gia với Hà Nội. 

Cùng với đó, tôi rất ấn tượng với việc Hà Nội đặt tiềm năng phát triển của mình trong mối quan hệ với Vùng Thủ đô, thể hiện rõ mối liên kết vùng. Đây là ý rất mới trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tôi cho rằng, với mối liên kết chặt chẽ Hà Nội - Vùng Thủ đô - Vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, Hà Nội sẽ phát triển tới một tầm cao hơn cả về chính trị, hành chính và đặc biệt là kinh tế.

- Như vậy, Hà Nội cần phải có chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài?

- Với tinh thần Thủ đô Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội, bất cứ công dân Việt Nam nào, dù trong hay ngoài nước, đều hướng về Thủ đô, sẵn sàng cống hiến sức lực xây dựng Thủ đô, giúp thành phố tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức với hàm lượng khoa học - công nghệ cao nổi trội so với các địa bàn khác trong cả nước. 

- Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp, hỗ trợ như thế nào để Thủ đô Hà Nội có thể thực hiện tốt mục tiêu trên, thưa đồng chí?

- Ngay khi Ban Kinh tế Trung ương tái lập, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội. Trong quá trình Đảng bộ thành phố xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội XVI, Ban Kinh tế Trung ương đã đóng góp ý kiến rất nhiều vòng, từ dự thảo ban đầu cho đến khi Bộ Chính trị cho ý kiến. Tới đây, trong chương trình phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Hà Nội, một trong những vấn đề chính được đặt ra là phải nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm là đầu tàu và động lực phát triển của Vùng và cả nước. 

- Xin cảm ơn đồng chí!