Hà Nội: Lực lượng Công an bám trụ cùng người dân vùng lũ

ANTD.VN -Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều xã tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội bị ngập chìm trong nước và bị cô lập với bên ngoài. Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ vào chiều ngày 23-7, mặc dù mưa đã tạnh, nắng to, nước đã rút đi nhiều nhưng khoảng hơn 100 hộ dân tại thôn Bùi Xá, thị trấn (T.T) Xuân Mai vẫn bị ngập sâu. CAH Chương Mỹ đã tăng cường lực lượng cùng công an cơ sở giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ...

Xót xa nhìn dân dầm mình trong nước

3 ngày qua, toàn thôn Bùi Xá, T.T Xuân Mai, huyện Chương Mỹ bị cô lập bởi nước lũ. Khu vực ngập sâu nhất tới hơn 1m. Người dân nơi đây phải dùng thuyền để đi lại và vận chuyển tài sản, thực phẩm…

Theo chân đoàn công tác giúp đỡ dân vùng lũ - Công an huyện Chương Mỹ, nhóm phóng viên được một người dân tình nguyện chèo thuyền đưa đi thăm một số hộ gia đình trong thôn Bùi Xá. Bà Bùi Thị Ngờ, 60 tuổi ngồi trên chiếc thuyền được cột chặt trước cánh cửa sắt trao đổi với phóng viên trong tâm trạng buồn bã và lo lắng: “Khổ lắm các chú ạ! Hai vợ chồng tôi phải ở trên thuyền như thế này 3 ngày nay rồi. Nhà tôi là nhà cấp 4, thấp nên ngập hết rồi. Hàng ngày chúng tôi nhờ bà con xung quanh và các chú công an, bộ đội giúp đỡ bữa ăn, đợi lũ rút để dọn dẹp nhà cửa”.

Bà Bùi Thị Ngờ cùng chồng sống tạm trên thuyền đã 3 ngày nay.

Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ những căn nhà cấp 4 người dân không thể ở được, phải sơ tán đi nơi khác. Chỉ có những hộ gia đình xây nhà cao tầng thì ở lại được nhưng sinh hoạt rất bất tiện, mất điện; nước sinh hoạt phải chờ đợi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đưa vào; nước lũ ô nhiễm, rác thải ngập tràn đến tận cửa.

“Chiều nay chúng tôi đi kiểm tra xem nhà nào đủ điều kiện an toàn sẽ cấp nước cho dân. Những căn nhà thấp và ngập sâu chúng tôi không thể cung cấp điện để đảm bảo an toàn cháy nổ” – ông Vũ Đức Thắng, nhân viên Công ty Điện lực Chương Mỹ cho biết.

Người dân dầm mình trong nước lũ để di chuyển tài sản.

Còn nhớ, sự cố vỡ đê Bùi 2 vào tháng 10-2017, khiến cho 200 hộ dân ở một số xã thuộc huyện Chương Mỹ bị ngập trong biển nước. Hoa màu, tài sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Năm nay, mưa lũ xảy đến quá sớm, ngoài dự tính của người dân và chính quyền địa phương, nên việc di dời người và tài sản hoàn toàn bị động. Nhiều hộ dân chăn nuôi lợn, cá quy mô lớn bị mất trắng. Theo tính toán của người dân chỉ một tháng nữa là được thu hoạch, kịp trước mùa mưa bão.

Công an huyện Chương Mỹ gồng mình giúp dân trong mưa lũ

Nguyên nhân vì sao các xã trên thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa bão?Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng CAH Chương Mỹ cho biết, do lũ rừng ngang ở các tỉnh Tây Bắc đổ về khiến các hồ, đập bị quá tải sức chứa, sông Tích dâng cao nên các xã nằm trong khu vực trũng như xã Hoàng Văn Thụ, xã Nam Phương Tiến, xã Thủy Xuân Tiên hay khu Bùi Xá của TT. Xuân Mai… luôn bị ngập, ảnh hưởng.

Ngay sau khi xảy ra cơn bão số 3, CAH Chương Mỹ đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, huy động vật tư tại chỗ chống tràn trên các tuyến đê, đồng thời di chuyển người và tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo vệ tài sản của người dân và sẵn sàng cứu nạn.

Công an T.T Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ứng trực suốt 3 ngày qua để giúp đỡ người dân khu Bùi Xá đang bị cô lập bởi lũ.

Trung tá Đào Văn Thu, Phó Công an T.T Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho hay: “Chúng tôi luôn cử các tổ công tác ứng trực 24/24 giờ phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương giúp đỡ người dân vùng lũ. Vận chuyển nước sạch, lượng thực cho các gia đình đang bị cô lập. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thiệt hại về người, chưa để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản của dân. Sau khi lũ rút, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân khắc phục nhà cửa, tài sản để nhân dân ổn định cuộc sống trở lại”.

Thống kê sơ bộ tính đến chiều tối ngày 22-7, cơn bão số 3 đã khiến diện tích lúa mùa trên toàn huyện Chương Mỹ bị ngập 186,9 ha; diện tích cây rau màu bị ngập 213 ha; diện tích thủy sản bị ngập 263 ha; 30 con lợn bị chết, hơn 7000 con gia cầm chết và thất lạc. Trước những diễn biến phức tạp của mua lũ, gần 2.000 hộ phải di dời, trong đó, tập trung ở các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ...

Với sự chung tay giúp sức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là lượng Công an, người dân vùng lũ cảm thấy an tâm hơn để nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống.