Hà Nội: Loại bỏ chính sách không phù hợp, tạo đột phá cho kinh tế tập thể phát triển

ANTD.VN - Ngày 11-5, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ, ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị 

Trình bày báo cáo tổng kết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TƯ được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây (cũ) đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc từ khâu quán triệt, nâng cao nhận thức đến việc ban hành các văn bản cụ thể hóa.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành đề án và chương trình hành động nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chú trọng tạo lập môi trường thể chế, tâm lý xã hội thuận tiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

15 năm qua, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không ngừng tăng lên. Đến nay, Hà Nội có số lượng dẫn đầu cả nước, chiếm tỷ lệ 9,9%. Trên địa bàn hiện có gần 1.400 tổ hợp tác, 1.867 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân.

Tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 380% so với 15 năm trước. Tổng giá trị tài sản của các hợp tác xã đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Lãi bình quân của 1 hợp tác xã đạt 168 triệu đồng/năm, tăng 175,41% so với năm 2003.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của thành phố; phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Thành phố cũng chỉ rõ 6 hạn chế, 2 nhóm nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ trong thời gian tới, Hà Nội xác định rõ mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế Thủ đô; đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ về quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Đến năm 2025, thành phố phấn đấu thành lập mới khoảng 250-300 tổ hợp tác, 250-300 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã; bảo đảm 100% số hợp tác xã hoạt động theo luật; 70% số hợp tác xã bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi, tăng lên 90% vào năm 2030.

Không nhất quyết theo đuổi quy mô lớn

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, 15 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, tạo lập môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Điểm lại 6 nhóm kết quả cụ thể trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của thành phố, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được củng cố và tăng cường; Liên minh Hợp tác xã thành phố từng bước phát huy tốt vai trò là đầu mối triển khai các hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và mô hình hợp tác xã kiểu mới, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả có xu hướng tăng qua các năm: năm 2003 là 46%, năm 2018 là 60% so với tỷ lệ bình quân của cả nước là 51%.

Đề cập những điểm nghẽn của kinh tế tập thể, hợp tác xã của thành phố hiện nay, đồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá, hạn chế lớn nhất là tiềm năng phát triển kinh tế tập thể còn rất lớn nhưng chưa phát huy được.

Để thúc đẩy kinh tế tập thể Thủ đô tiếp tục phát triển, đồng chí yêu cầu phải thay đổi nhận thức và tư duy, phát triển kinh tế tập thể không nhất quyết phải theo đuổi xây dựng các hợp tác xã quy mô lớn, mà có thể tập trung vào việc xây dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, nhân lên các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành công; định hướng các hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng chuỗi liên kết, có tính chuyên môn hóa cao...

Các loại hình kinh tế hợp tác phải phát triển theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; căn cứ vào yêu cầu thực tế khách quan để thành lập, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế tập thể của thành phố là tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, để cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân là nòng cốt phát triển kinh tế của thành phố.

Đặc biệt, đồng chí yêu cầu các cơ quan thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các chính sách hỗ trợ hợp tác xã của thành phố, từ đó loại bỏ những chính sách không còn phù hợp, duy trì và có thể tăng hỗ trợ đối với những chính sách phát huy hiệu quả tốt, quyết tâm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tập thể phát triển.

Đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị các hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, chú trọng ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại để đáp ứng yêu cầu mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, sau hội nghị này và sau khi Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, những giải pháp thiết thực sẽ đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã đi lên, góp phần ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố.