Hà Nội: Hỗ trợ việc làm, chăm lo, cải thiện đời sống người lao động

ANTD.VN - Theo báo cáo về lương thưởng Tết của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2018, tình hình kinh doanh trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tương đối ổn định nên công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân có chuyển biến tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 lao động

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2018, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 190.000 lao động, đạt 125% so với kế hoạch; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 3,12% đầu năm xuống còn 2,41% vào cuối năm. 

Đánh giá về kết quả đã đạt được, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm, thành phố Hà Nội còn triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động.

Trong năm qua, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tương đối ổn định nên mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng từ 4-6%, bên cạnh đó mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nên đời sống của người lao động được cải thiện. 

Thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, năm 2018 tổ chức Công đoàn Thủ đô chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch lương, thưởng cùng các khoản phúc lợi theo doanh thu của từng đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp công khai cho người lao động biết và giám sát thực hiện.

Do dịp Tết Nguyên đán gần với thời điểm tăng lương tối thiểu vùng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho hay, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã chỉ đạo cấp Công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động triển khai nghiêm Nghị định 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu vùng để khoản thưởng Tết 1 tháng lương được thực hiện bằng mức lương đã tăng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Với những doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, công đoàn đưa ra đề xuất, kiến nghị hợp lý để người lao động được thanh toán lương, thưởng đầy đủ.

Chủ trương xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động đang là một trong những mục tiêu hàng đầu của Thủ đô.

Do vậy, trong năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 người lao động, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.

Để đạt được điều này, Thành phố Hà Nội tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bên cạnh đó triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động.

Để đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm.

Cùng đó, sẽ đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Điểm, Sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn tạo điều kiện người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động của Thành phố.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững;

Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ...