Hà Nội giải đáp hàng loạt vấn đề nóng đầu năm học mới

ANTD.VN - Nhiều thắc mắc được đặt ra cho lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội trước thềm năm học mới như vì sao phải tăng học phí, tình trạng quá tải trường học, căng thẳng tuyển sinh đầu cấp tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29-5.

Tăng học phí năm học mới

Về vấn đề tăng học phí trong năm học mới 2018-2019, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có tờ trình thành phố phương án tăng học phí dựa trên các nguyên tắc: phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND TP đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục. 

Theo ông Cẩn, học phí Hà Nội hiện còn thấp hơn nhiều tỉnh thành phố khác và mức tăng học phí ở mức được thống kế không vượt quá 2% tổng thu nhập người dân. Cùng với việc tăng học phí, Hà Nội đảm bảo tất cả đối tượng ưu tiên chính sách được hưởng miễn giảm học phí.

Được biết, mức học mới năm nay dự kiến với khối các trường nội thành là 155.000 đồng/học sinh/tháng, 75.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh nông thôn, học sinh miền núi thu ở mức 19.000 đồng/học sinh/tháng. 

Ông Cẩn cho biết, các trường không được giữ lại toàn bộ học phí thu được mà phải nộp về thành phố 60% để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.

Lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô trao đổi với báo chí chiều 29-5

Vất vả vì quá tải trường học

Về vấn đề quá tải trường học, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết, quận này có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu học sinh. 

Năm 2018, quận đã chỉnh sửa quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030. Trong giai đoạn năm 2018-2020, quận sẽ xây mới thêm 13 trường  cho các cấp học. Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh tăng so với điều lệ nhà trường nhưng vẫn đảm bảo số mét vuông/học sinh và số giáo viên trên lớp.

Với việc tăng cường bổ sung trường lớp, hiện nay, bậc mầm non của quận Hoàng Mai từ năm học 2017-2018 không còn tình trạng phải xếp hàng, bốc thăm. Quận đã tăng thêm 5 trường mầm non ngoài công lập và 13 dự án cải tạo xây mới trường học năm 2018. 

Riêng về vấn đề học luân phiên, quận Hoàng Mai có số trường tiểu học phải học luân phiên nhiều nhất thành phố. “Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết, đảm bảo đủ chỗ học không quá 50 học sinh/lớp dù vẫn còn tình trạng học sinh phải học luân phiên vào thứ Bảy”- bà Hạnh nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông cho biết, quận Hà Đông luôn dành đầu tư lớn cho xây dựng trường học. Riêng năm 2018, quận thành lập mới 17 trường, trong đó tăng 5 trường công lập. Năm 2018, toàn quận có 88.000 học sinh, tăng hơn 7.000 học sinh, riêng công lập tăng hơn 5.000 học sinh.

Về tuyển sinh đầu cấp vào  lớp 6, lớp 10, ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, học sinh lớp 10 Hà Nội năm nay tăng 22.000 học sinh. 

Tuy nhiên, thống kê mới cho thấy, chỉ có 94.499 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, giảm 10.000 học sinh so với thống kê trước đó (sau khi cho phép các trường ngoài công lập và công lập tự chủ  tuyển sinh từ học bạ THCS nên nhiều học sinh không đăng ký dự thi vẫn có chỗ học).

Ông Toản chia sẻ, tình trạng học thêm cuối năm học vừa qua gồm cả học kỹ năng sống, không chỉ xuất phát từ lý do thi cử. Riêng với tuyển sinh lớp 6 các trường đặc thù, việc học thêm không hiệu quả với bài đánh giá năng lực và các quận huyện cũng đã báo cáo phương án xét tuyển của các trường trên địa bàn...