Hà Nội dồn sức giảm hộ nghèo
(ANTĐ) - Sau khi mở rộng địa giới hành chính, một trong những khó khăn lớn nhất mà Thủ đô Hà Nội phải đối mặt là tỷ lệ hộ nghèo tăng mạnh. Với tổng số 406.232 người nghèo (có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng ở thành thị và dưới 330.000 đồng/tháng ở nông thôn), tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội lên tới 8,43%.
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo mới ban hành của thành phố giai đoạn 2009-2013, tại thời điểm tháng 3-2009, toàn thành phố có 117.825 hộ nghèo với 406.232 nhân khẩu, chiếm 8,43% tổng số hộ toàn thành phố. Trong tổng số hộ nghèo, có 69.980 hộ thuộc nhóm I (tương đương 59,4%) có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất.
Đặc biệt, có 45.000 người dân tộc thiểu số và 3.500 hộ có nhà ở hư hỏng nặng, gia đình không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa. Trong 29 quận, huyện, thành phố trực thuộc, có tới 12 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10%.
Đứng đầu danh sách các huyện có nhiều hộ nghèo nhất là Mỹ Đức (chiếm 22,65%), kế đó là Ba Vì (19,64%), Sóc Sơn (17,7%), ứng Hòa (16,6%), Chương Mỹ (16,3%)... Toàn thành phố có 43 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo vượt 25%. Trong đó, xã An Phú (Mỹ Đức) và 5 thôn thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai còn nằm trong danh sách đơn vị khó khăn thuộc chương trình 135.
Theo thống kê của UBND TP, các quận nội thành Thanh Xuân, Cầu Giấy có số lượng hộ nghèo thấp nhất (236 hộ), kế đó là quận Tây Hồ (260), Long Biên (772). Trong khi đó, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm lại có tới 1.375 hộ nghèo, Ba Đình có 1.011 hộ, Hai Bà Trưng 1.022 hộ, Đống Đa 1.110 hộ... |
Theo điều tra, khảo sát của UBND TP, các hộ này khó thoát nghèo vì nhiều nguyên nhân. Khó khăn lớn và phổ biến nhất là thiếu vốn sản xuất kinh doanh (38,1%).
Bên cạnh đó, các hộ lại thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, đông người ăn theo, gia đình có người già yếu, bệnh tật, ốm đau hoặc mắc tệ nạn xã hội...
Sau khi đánh giá tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội sau mở rộng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo thành phố năm 2009. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Đào Văn Bình, trong năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố (từ 8,43 xuống còn 6,49%), tương đương với giảm 15.910 hộ nghèo.
Trẻ em nghèo ở Sóc Sơn giúp bố mẹ kiếm củi sau giờ học |
Cũng theo ông Đào Văn Bình, trong năm, sẽ có 75.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc học tập, học nghề, đi lao động xuất khẩu...
Trong khi đó, thành phố chi 9 tỷ đồng để gần 70.000 lượt người nghèo được tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh... Hàng nghìn lượt người nghèo, người khuyết tật cũng sẽ được dạy nghề ngắn hạn.
Thành phố còn tập trung nguồn lực hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho 2.000 hộ nghèo có nhà bị hư hỏng nặng, không có khả năng tự cải thiện với kinh phí 25 triệu đồng/nhà. Giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho hộ nghèo, Hà Nội cũng đặt yêu cầu cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 480.000 người nghèo và nâng mức chuẩn và trợ cấp xã hội từ 120.000 đồng lên 200.000 đồng; trợ cấp thường xuyên cho trên 64.000 đối tượng bảo trợ xã hội và trợ cấp hàng tháng cho hơn 8.300 người già yếu, bệnh tật hiểm nghèo...
Theo ông Đào Văn Bình, nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo của thành phố năm 2009 khoảng 491 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã cấp 236 tỷ đồng, số còn lại sẽ bổ sung trong thời gian tới.
Ngoài ra, các chính sách xã hội như miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... cũng sẽ được thành phố thực hiện đồng bộ để nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố.
Chính Trung