Hà Nội: Dồn dập kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm

ANTD.VN -Trong khoảng 1 tuần qua, liên tục các đoàn kiểm tra liên ngành do lãnh đạo các Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT của thành phố Hà Nội đã ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số quận, huyện và bước đầu phát hiện không ít sai phạm…

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở

Lo ngại nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề

Thực hiện kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2018, ngay sáng nay, 20-4, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành số 2 về ATTP thành phố Hà Nội do lãnh đạo Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại huyện Phú Xuyên.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Phú Xuyên đã thanh kiểm tra được 170 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó phát hiện 14 cơ sở vi phạm (chủ yếu là vệ sinh chưa sạch sẽ, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức…). Tuy nhiên, hầu hết các vi phạm chỉ bị địa phương nhắc nhở chứ chưa có trường hợp nào bị tiến hành xử lý theo quy định.

Trước đó, chiều 18-4, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATTP thành phố Hà Nội do ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã ra quân kiểm tra trên địa bàn quận Long Biên.

Tại đây, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo ATTP quận Long Biên, từ đầu năm đến nay, quận đã kiểm tra 26 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và phát hiện nhiều cơ sở vi phạm. Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, tình trạng vi phạm về ATTP còn phổ biến ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ.

Trong đó, riêng kiểm tra kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện chỉ có 9/21 cơ sở kinh doanh rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Xét nghiệm nhanh 55 mẫu thực phẩm về các chỉ tiêu về tinh bột, độ sôi, độ ôi khét, hàn the, foocmol, cũng phát hiện có 10,9% số mẫu không đạt.

Khi đoàn liên ngành thành phố kiểm tra trực tiếp tại xưởng sản xuất nước giải khát Thiên Minh (Bồ Đề, Long Biên), tại thời điểm kiểm tra cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất theo quy định. Đoàn cũng đã góp ý cho cơ sở trong việc phân khu lại nơi chứa vỏ bình và thành phẩm cần tách biệt, sắp xếp lại nơi rửa bình…

Cũng trong ngày 18-4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra ATTP tại Công ty CP Rau an toàn Hà Nội (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện kho chứa của công ty có 15kg lạp xưởng và 75kg gạo tám Điện Biên có nhãn sản phẩm ghi chưa đúng quy định.

Các đoàn liên ngành ATVSTP sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh tại chỗ để xử phạt kịp thời

Sẽ xử phạt tại chỗ

Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP Hà Nội đề nghị, để thực hiện tốt tháng hành động vì ATTP năm nay, một mặt các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Điều quan trọng nữa là trong quá trình kiểm tra, cần có sự nghiêm túc trong việc xử phạt các cơ sở kinh doanh không đảm bảo VSATTP. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đã phân cấp quản lý rõ ràng trong công tác ATTP, từ các cấp cơ sở đến đoàn liên ngành thành phố sẽ đều phải tăng cường kiểm tra, hậu kiểm.

Đặc biệt, khi từ tháng 2-2018 này Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực đã tạo thông thoáng rất lớn cho doanh nghiệp (doanh nghiệp được quyền tự công bố sản phẩm thực phẩm) thì công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm càng có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm Luật ATTP…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng, Nghị định 15 của Chính phủ vừa có hiệu lực tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.

Theo đó, thay vì tiền kiểm như trước đây, cơ quan chức năng sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện sẽ xử phạt nghiêm khắc, ngoài xử phạt hành chính cần thiết sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung như yêu cầu dừng sản xuất và thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.

Cũng theo ông Phong, để có biện pháp xử lý kịp thời, trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện lấy 3 mẫu thực phẩm để làm kiểm nghiệm, trong đó 1 mẫu thực hiện kiểm nghiệm ngay tại cơ sở bằng test nhanh và xử lý ngay nếu kết quả không đạt. Việc này nhằm tránh trường hợp như trước, nhiều địa phương lấy mẫu kiểm tra nhưng có khi mấy tháng sau mới có kết quả.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Người tiêu dùng khó phân biệt thực phẩm an toàn với không an toàn

Hà Nội: Dồn dập kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm ảnh 3

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong ATTP vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra ở Hà Nội tối 18-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, một vấn đề được người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm là thực phẩm cho tiêu dùng trong nước chưa được bảo đảm tốt như cho xuất khẩu.

Cùng đó, Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân và khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. Đây là thách thức đối với việc bảo đảm ATTP bởi khi còn nghèo, người dân có xu hướng sử dụng mọi cách để tối đa hóa năng suất, thu nhập dẫn đến tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia trong chế biến. Bên cạnh đó, thói quen chế biến của nhiều hộ gia đình cũng chưa bảo đảm ATTP.

Theo Phó Thủ tướng, người tiêu dùng hiện chưa được trợ giúp nhiều để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn. Công tác truyền thông chưa hiệu quả, dẫn tới việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất ATTP. Một bộ phận người dân thấy sợ khi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống…

Do vậy, Chính phủ Việt Nam xác định trước hết cần tập trung xây dựng khung pháp luật về ATTP. Ngoài ra, việc tuyên truyền vận động giúp mọi người dân hiểu rõ nguy cơ, trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của mình.