Hà Nội: Đề xuất dùng gạch bê tông giả đá lát hè thay vì đá tự nhiên

ANTD.VN - UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, sử dụng đá xanh Thanh Hóa lát hè thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp. Quận này đề nghị sử dụng gạch bê tông giả đá, là gạch tương tự như gạch terrazzo sẽ phù hợp hơn.

Một tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được lát hè bằng đá tự nhiên

UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản gửi UBND TP về việc sử dụng vật liệu lát hè, chiều cao đỉnh bó vỉa, hào kỹ thuật một số tuyến phố trên địa bàn quận. Văn bản đề cập, qua quá trình thực tế thi công và sử dụng trong những năm gần đây, gạch terrazzo và gạch block không còn phù hợp yêu cầu về chất lượng (cường độ thấp) và thẩm mỹ (gạch terrazzo mỏng, yếu không chịu được tải trọng ôtô, gạch block dễ mòn, bạc màu và dễ xộc xệch).

Từ đó, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, sử dụng đá xanh Thanh Hóa, mặt được tạo nhám và có chiều dày tối thiểu khoảng 5cm. Tuy nhiên, quận cho biết, quá trình sử dụng đá thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp. Thứ hai, sử dụng gạch bê tông giả đá, là gạch tương tự như gạch terrazzo là cơ bản phù hợp. Gạch dày 4cm, màu sắc giả đá đáp ứng về mặt mỹ quan tuyến phố, đồng diện màu sắc hè và lòng đường. Gạch được sản xuất tại nhà máy Seooin, là nhà máy có thương hiệu về sản xuất gạch và xuất khẩu ra nước ngoài, về độ bền cơ lý gần tương đương với đá tự nhiên, tuy nhiên, giá thành chỉ bằng 70%. Thực tế triển khai lát hè bằng loại gạch này trên tuyến phố Bà Triệu được dư luận đánh giá tốt do không bị trơn trượt và có kỹ, mỹ thuật.

Hiện nay, nhiều tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm mặt đường được thảm lại nhiều lần nên cao độ mặt đường và cao độ nền nhà dân chỉ cao hơn so với mặt đan rãnh cũ khoảng 5-7cm. Trong quá trình triển khai thi công, nếu để cao độ đỉnh bó vỉa so với cao độ mặt đan rãnh mới nâng theo đúng thiết kế, đồng thời phải đảm bảo độ dốc ngang vỉa hè từ 1% đến 2% có hướng dốc về phía mặt đường thì nền hè sẽ cao hơn so với nền nhà của các hộ dân. UBND quận đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, đối với các tuyến phố đủ điều kiện sẽ áp dụng phương án đỉnh bó vỉa cao hơn mép đường xe chạy tối thiểu là 12,5cm. Thứ hai, đối với các tuyến phố mặt đường đã thảm lại nhiều lần, cao độ mặt đường và cao độ nền nhà dân chỉ cao hơn so với mặt đan rãnh cũ 5-7cm sẽ áp dụng phương án đỉnh bó vỉa cao hơn mép đường xe chạy như hiện trạng.

Phần lớn các tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có vỉa hè tương đối hẹp, nhiều gốc cây to, nhiều công trình ngầm và một số phố đã được lát hè bằng đá. Do đó, việc áp dụng phương pháp hạ ngầm đường dây cáp điện lực, viễn thông đi nổi bằng hào kỹ thuật sẽ không khả thi do khả năng chuyển hướng thiếu linh hoạt khi gặp công trình ngầm và gốc cây to. Ngoài ra, hào kỹ thuật khi áp dụng tại một số tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội còn bị ngấm, đọng nước và mặt hè khi hoàn thiện không phẳng. UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất vẫn tiếp tục sử dụng phương án hạ ngầm đường dây cáp điện lực, thông tin đi nổi bằng ống nhựa xoan như các tuyến phố mà UBND TP và UBND quận đã triển khai từ năm 2008 đến nay và phù hợp với địa bàn có hiện trạng đặc thù.

Về nội dung nêu trên, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở liên quan kiểm tra, xem xét, hướng dẫn thực hiện theo quy định của thành phố; đề xuất, báo cáo UBND TP các vấn đề vượt thẩm quyền…

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước mắt, tại 12 quận nội thành, thành phố sẽ không chấp nhận dùng các loại gạch kém chất lượng như trước đây mà chủ yếu dùng đá tự nhiên. Quy định này cũng sẽ giúp chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn Hà Nội mạnh ai nấy làm, mỗi tuyến phố một kiểu gạch lát hè. Doanh nghiệp cung cấp vật liệu lát hè phù hợp sẽ được Sở Xây dựng công nhận, niêm yết giá công khai để các chủ đầu tư lựa chọn