Hà Nội đầu tư phát triển công nghiệp sạch, không tác động xấu đến môi trường

ANTD.VN - Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, công nghiệp của Hà Nội đang tồn tại trong đô thị chứ không phải công nghiệp di dời ra khỏi đô thị, nên cần xác định sản xuất công nghiệp sạch, bền vững, áp dụng khoa học công nghệ với thiết bị hiện đại để không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng làm rõ những nội dung đại biểu quan tâm (Ảnh: Phú Khánh)

Theo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 12%).

Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 02 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển: Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; lũy kế tổng số vốn đạt 41,2 tỷ USD (4.850 dự án vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, 1.850 lượt góp vốn mua cổ phần vốn đăng ký 7 tỷ USD); lũy kế vốn thực hiện đạt khoảng 20,5 tỷ USD (tỷ lệ đạt 49,7%).

Các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo diện tích đạt 86%. Đang triển khai lập quy hoạch phân khu tại Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và đô thị Hòa Lạc; tổ chức tốt phân luồng, quản lý phương tiện vận tải, đảm bảo lưu thông thông suốt. Xử lý được 05/33 điểm ùn tắc, tiếp tục thí điểm tổ chức giao thông tại 02/33 điểm và giải pháp xử lý các điểm còn lại…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay và diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm 8,1% tổng đàn so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước, trong đó có chỉ số thành phần mới được đưa vào xác định trong năm 2018 (Quản trị môi trường, Quản trị điện tử) đạt điểm số rất thấp.

Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm, một số vi phạm mới tuy chưa được xử lý giải quyết kịp thời, triệt để…

Thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Hoàng (tổ Phú Xuyên) thông tin, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, theobáo cáo của UBND TP, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thủ đô tăng 7,1%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2%. Trong 10 năm nữa, ngành công nghiệp nói chung của TP tăng lũy tiến trung bình 2 - 2,5 lần so với hiện nay.

Trong khi đó, theo kết quả báo cáo của ngành Công Thương Việt Nam, chỉ số này tương ứng tăng trong 10 năm qua là 3,5 lần. Vậy phải chăng ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô tăng trưởng bình quân không bằng 10 năm trước? TP cần làm gì để ngành công nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển tương ứng với tiềm năng, là đầu tàu lôi kéo vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc?

Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho hay, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Hà Nội vẫn giữ được nhịp độ phát triển tương đối ổn định, trong đó công nghiệp xây dựng phát triển được 8,8% (chỉ tiêu đặt ra từ 8,5-9%). Đây là sự cố gắng lớn trong chỉ đạo điều hành, tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, TP vẫn phải cố gắng phát triển thêm.

Hiện nay, Hà Nội là địa phương duy nhất đặt ra chính sách phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đến nay, Hà Nội đạt được 61 sản phẩm, những sản phẩm này đều có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Để công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, TP Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, chế xuất công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện nay, UBND đã thông qua 11 cụm công nghiệp, nếu theo nhịp độ này, đến cuối năm Hà Nội có thể có 30 cụm công nghiệp mới.

Bên cạnh đó, TP cũng nhìn nhận, công nghiệp tồn tại trong đô thị chứ không phải công nghiệp di dời khỏi đô thị. Cho nên, thành phố phát triển công nghiệp sạch; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để không tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Dẫn ví dụ cụ thể, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho hay, trước năm 2015, để đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao thì mẫu số là 10 triệu USD/ha; từ năm 2016 đến nay, để đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao của TP cần tối thiểu 20 triệu USD/ha...