Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 lọt top đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI

ANTD.VN - Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, ông Trần Ngọc Nam, những năm gần đây, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện đáng kể. Hà Nội đặt mục tiêu lọt top đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2020.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam thông tin tại hội nghị giao ban báo chí 

Chiều 25-12, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam đã báo cáo kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện môi trường đầu tư của TP Hà Nội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Năm 2018, thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2018, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất trong vòng 30 năm qua. Riêng trong 3 năm qua (2016, 2017, 2018) TP thu hút được gần 14,05 tỷ USD vốn FDI, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015.

Từ đầu năm đến nay, TP đã cấp mới cho 616 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới là 5,03 tỷ USD. Trong đó, một số dự án lớn cấp mới, tăng vốn trong kỳ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư gồm: nhà đầu tư Beerco Limited thực hiện góp vốn trong Công ty TNHH Beverage Việt Nam – 1 tỷ USD; dự án Khu đô thị thành phố thông minh – 4,138 triệu USD; 2 dự án của Tập đoàn Nidec tại khu công nghệ cao Hòa Lạc – 400 triệu USD; dự án Lotte Mall Hà Nội tăng vốn 300 triệu USD…

Cũng theo ông Trần Ngọc Nam, lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản, tiếp theo là công nghiệp chế biến - chế tạo và thông tin truyền thông. Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư vào Hà Nội với khoảng 10,6 tỷ USD; tiếp đến là Singapore và đứng thứ ba là Hàn Quốc…

Để đạt được những kết quả trên, năm 2018, TP đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Hà Nội đã tích cực cải cách hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Năm 2018, TP đã lựa chọn chủ đề là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Trần Ngọc Nam khẳng định, Hà Nội luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Trong thời gian tới, Thành phố định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Mục tiêu tổng quát của năm 2019 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng...

Liên quan đến đề án khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) có diện tích hơn 1.000 ha được doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất, ông Trần Ngọc Nam cho biết, Sở KH&ĐT đã đọc đề án này.

Khu vực này không phải chỉ có doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư. Hiện nay, ở khu vực này, có 3 - 4 dự án được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận. Đề án doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra có hơn 1.000 ha, trong đó có gần 400 ha chồng lấn với các dự án đi trước.

UBND TP đã yêu cầu Sở KH&ĐT họp với các nhà đầu tư để đưa ra một quy hoạch tổng thể.

Nói thêm về dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chia sẻ, khi đưa ra đề án này, doanh nghiệp Xuân Trường đặt mục tiêu thu lợi một phần, bên cạnh đó còn mong muốn tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội để 4 - 5 năm tới trở thành di sản thế giới.

“Tuy nhiên, chúng ta đều biết để trở thành Di sản thế giới không phải đơn giản nhân tạo mà được. Doanh nghiệp cần có tính toán cụ thể hơn”, ông Nam nhận định.