Hà Nội đã rà soát, tìm kiếm 21.000 người liên quan và hỗ trợ dập ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?

ANTD.VN - Chỉ trong một thời gian rất ngắn, lực lượng chức năng của Hà Nội đã rà soát thần tốc được con số khổng lồ - trên 21.000 người - liên quan đến ổ dịch Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai. Đáng nói, nhóm này không chỉ gồm công dân Thủ đô mà còn có hàng nghìn người ở trọ, học viên... Đây có thể nói là yếu tố quyết định trong quá trình dập ổ dịch Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai.

CDC Hà Nội đã xét nghiệm sàng lọc hơn 2.500 người liên quan tới ổ dịch bệnh viện Bạch Mai

Hàng loạt giải pháp mạnh Hà Nội đã và đang triển khai

Bệnh viện Bạch Mai đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Hà Nội, trong đó riêng tâm dịch tại công ty Trường Sinh đã ghi nhận gần 30 ca mắc. Vì thế, nếu không khống chế được ổ dịch tại đây, việc kiểm soát dịch trên địa bàn Thủ đô cũng khó thành công.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội điểm lại, để kiểm soát được ổ dịch nói riêng, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai nói chung, khâu quan trọng đầu tiên là phải khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh hóa học – Bộ Quốc phòng tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên bệnh viện Bạch Mai.

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức đưa hơn 630 người nhà đang chăm sóc các bệnh nhân điều trị trong bệnh viện Bạch Mai đi cách ly tại Láng – Hòa Lạc. CDC Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 được 3.214 mẫu của cán bộ nhân viên bệnh viện.

Các quận huyện của Hà Nội đã hỗ trợ trong việc đưa đón bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai; đưa đón nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đến điểm cách ly tập trung và từ điểm cách ly đến bệnh viện đảm bảo an toàn kiểm soát lây nhiễm…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, từ các lực lượng chức năng của thành phố đến các phường xã, tổ dân phố đã tích cực rà soát, quản lý sức khỏe của tất cả trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai hiện đang ở trên địa bàn, gồm: toàn bộ nhân viên y tế, người lao động của bệnh viện, bệnh nhân nội trú, bệnh nhân ngoại trú, bệnh nhân ra viện từ 10-3, bảo vệ, lái xe…

Đây có thể nói là thách thức cực lớn bởi Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất cả nước, hàng ngày có thể tới hàng vạn người ra vào.

Với nỗ lực phi thường của các đơn vị liên quan, trong đó mũi nhọn là lực lượng CATP Hà Nội và ngành y tế Thủ đô, sau một thời gian rất ngắn, đến nay, Hà Nội đã rà soát được hơn 21.000 trường hợp có liên quan kể trên và triển khai giám sát, quản lý sức khỏe theo quy định. Đây là một kỳ tích bởi nhóm cần rà soát không chỉ gồm các công dân Thủ đô mà cả những người ở trọ, người lưu trú, học viên đi học tại viện…

Mặt khác, từ ngày 31-3, CDC Hà Nội đã triển khai xét nghiệm nhanh (test nhanh) với những trường hợp có liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, với các trạm xét nghiệm dã chiến được thiết lập ở 6 quận huyện.

Đến nay, tổng số mẫu đã xét nghiệm nhanh là 2.518, có 17 mẫu nghi ngờ được tiến hành xét nghiệm bằng RT-PCR, trong đó 8 mẫu âm tính, 9 mẫu đang chờ kết quả.

Chỉ đạo thống nhất, tất cả cùng vào cuộc, “đến từng ngõ, gõ từng nhà”

Đến ngày 2-4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất đánh giá, ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản được quản lý và kiểm soát có hiệu quả.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội họp bàn, chỉ đạo các giải pháp quyết liệt

Để có được kết quả bước đầu này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ngành từ trung ương đến các địa phương, sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, từ Bộ Y tế, nỗ lực của chính bệnh viện, không thể không kể đến sự hỗ trợ và giải pháp mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt của thành phố Hà Nội đối với ổ dịch lớn nhất Thủ đô.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia dịch tễ uy tín đánh giá, thực tế, ngay khi ghi nhận 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai, tại các cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã liên tục cập nhật tình hình, bàn và chỉ đạo các giải pháp hết sức khẩn trương, quyết liệt.

Cụ thể, ngay từ ngày 19-3 khi ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên là điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19, Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với bệnh viện để xác định thân nhân, lịch trình, đối tượng tiếp xúc của các bệnh nhân, khoanh vùng và yêu cầu cách ly các ca F1, F2.

Thời điểm đó, dù Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ tạm thời phong tỏa một số khoa liên quan trực tiếp đến bệnh nhân Covid-19, song về phía Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung - Trưởng ban chỉ đạo thành phố đã kiên quyết chỉ đạo các lực lượng phải xác minh bằng được tất cả trường hợp liên quan đến bệnh viện Bach Mai từ ngày 10-3.

Ngay lập tức, Sở Y tế, CATP Hà Nội đã vào cuộc, trích xuất dữ liệu bệnh nhân và xác minh rõ 1.592 trường hợp bệnh nhân nội trú Bệnh viện Bạch Mai được cho ra viện từ ngày 15-3 gửi về Hà Nội. Kết quả đã xác minh được 1.288 trường hợp đang ở Hà Nội, lấy được 865 mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Đối với những trường hợp liên quan khác như bệnh nhân khám ngoại trú, người đến chăm sóc hoặc thăm bệnh nhân, học viên đi học... ngành y tế, CATP Hà Nội cùng chính quyền các quận huyện đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt. Các lực lượng cấp phường, tổ dân phố cũng được huy động để tích cực rà soát.  

Đặc biệt, hệ thống loa phường phát thông tin liên tục; cảnh sát khu vực và tổ trưởng tổ dân phố “đến từng ngõ, gõ từng nhà” thăm hỏi thông tin. Qua đó, chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố đã rà soát, giám sát được hơn 20.000 người liên quan đến ổ dịch này...

"Thành phố Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan, từ đó có phương án ứng phó phù hợp. Đây là cách làm bài bản, khoa học, quyết liệt và trách nhiệm của Thủ đô, không chỉ góp phần khống chế ổ dịch Bạch Mai mà là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nhìn lại toàn bộ để thấy cách mà Hà Nội tập trung lực lượng tối đa, bằng mọi biện pháp có thể truy tìm bằng được người liên quan tới ổ dịch Bạch Mai để rà soát, điều tra dịch tễ, từ đó ngăn chặn nguồn lây, dập ổ dịch... có thể xem là bài học quý để các địa phương khác học tập, đúc rút ra được những kinh nghiệm xương máu trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm" - vị chuyên gia dịch tễ đúc kết.