Hà Nội: Cung - cầu của thị trường lao động vẫn chưa gặp nhau

ANTĐ - Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, trong năm 2014, đối tượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố tăng gần 26%, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch việc làm Hà Nội lại giảm khoảng 22% so với năm 2013. Việc kết nối cung - cầu lao động nhìn chung vẫn rất hạn chế.

Hà Nội: Cung - cầu của thị trường lao động vẫn chưa gặp nhau ảnh 1Để nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động cần tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề. Ảnh: Internet

Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn phổ biến

Trong năm 2014, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội - Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 3 phiên lưu động tại các quận, huyện có thị trường lao động phát triển gồm quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Sóc Sơn và 1 phiên giao dịch việc làm online phối hợp với 5 tỉnh, thành. Tổng số lao động đã được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm là 10.810 người, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 28,54%; trình độ cao đẳng chiếm 31,4%; trình độ trung cấp, chứng nhận kỹ thuật chiếm 26,9%; lao động phổ thông chiếm 13,16%. Hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại phiên giao dịch đạt tỷ lệ bình quân gần 25%.

Ông Vũ Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, đặc điểm thị trường lao động của Hà Nội vẫn ở tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, dẫn đến việc kết nối cung cầu lao động hạn chế. Vì khó tìm việc làm nên có nhiều lao động đã có trình độ đại học, cao đẳng phải chấp nhận làm các công việc chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, chứng nhận kỹ thuật hoặc thậm chí làm cả công việc doanh nghiệp chỉ yêu cầu tuyển lao động phổ thông. Tình trạng này đã xảy ra ở các năm trước và chưa có xu hướng giảm.

Ngược lại, việc đa số lao động tìm đến Sàn giao dịch việc làm là những lao động có trình độ đại học, cao đẳng cũng khiến cho tỷ lệ kết nối cung cầu ở nhóm lao động có trình độ trung học, chứng nhận kỹ thuật tại Sàn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Lý do vì khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tìm đến sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động phổ thông phục vụ sản xuất nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp có trụ sở đóng tại quận nội thành và vùng lân cận, trong khi đó đối tượng lao động phổ thông thường sinh sống ở các huyện xa trung tâm thành phố, điều kiện đi lại khó khăn, ít có điều kiện đến tham gia Sàn giao dịch việc làm.

Cần có phân tích về cung cầu lao động

Điểm đáng chú ý trong số 54 phiên giao dịch việc làm mà Sàn giao dịch việc làm Hà Nội tổ chức trong năm 2014 là những phiên giao dịch theo chuyên đề như quảng cáo, giao nhận vận tải, tuyển dụng nhân sự cho khối siêu thị... có tỷ lệ kết nối cung cầu lao động thành công cao hơn hẳn các phiên cố định. Một mặt các phiên này thu hút tập trung doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tham gia, đồng thời người đến tìm việc cũng có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ cho công tác giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội của thành phố, ông Vũ Quang Thành cho biết, năm 2015, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội sẽ nâng tần suất tổ chức phiên giao dịch định kỳ lên 2 phiên/tuần, đồng thời tổ chức nhiều hơn các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề.

Cũng liên quan đến vấn đề gỡ khó cho thị trường lao động Hà Nội, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Hà Nội là thị trường lao động sôi động nhưng còn thiếu cơ sở phân tích dữ liệu về cung cầu lao động để từ đó định hướng cho lao động cũng như đào tạo. Do vậy, để nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cần sớm xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu về thị trường lao động, đồng thời kết nối với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các địa phương. Qua đó tiến tới đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang xảy ra, giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo.