Hà Nội: Công chức cần đi làm lệch giờ để chống ùn tắc

(ANTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XII cho biết, phương án tổ chức cho cán bộ, công chức đi làm lệch giờ giữa cơ quan Trung ương và Hà Nội sẽ làm giảm mật độ phương tiện giao thông tập trung ở các nút trong giờ cao điểm. Ông Nguyễn Đức Nhanh đề nghị UBND TP sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Hà Nội: Công chức cần đi làm lệch giờ để chống ùn tắc

(ANTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XII cho biết, phương án tổ chức cho cán bộ, công chức đi làm lệch giờ giữa cơ quan Trung ương và Hà Nội sẽ làm giảm mật độ phương tiện giao thông tập trung ở các nút trong giờ cao điểm. Ông Nguyễn Đức Nhanh đề nghị UBND TP sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội hôm qua 16-10 đã nghe UBND TP báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và những vấn đề bức xúc ở thành phố.

Ngột ngạt giờ cao điểm
Ngột ngạt giờ cao điểm

Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tại Hà Nội tiếp tục là chủ đề được đem ra mổ xẻ tại Hội nghị khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nghe UBND TP báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và những vấn đề bức xúc ở thành phố, ngày 16-10.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, trật tự an toàn giao thông đô thị, ùn tắc, tai nạn là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, thực tế là quản lý trật tự đô thị hiện đang bị buông lỏng.

Ông Nguyễn Đức Nhanh nói: “Một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc hiện nay chính là vỉa hè, lòng đường đang bị chiếm dụng, cho thuê bừa bãi. Chúng tôi đang đề nghị thành phố sửa đổi Quyết định 227/QĐ-UB chứ không thể phân cấp cho quận, huyện quản lý vỉa hè, lòng đường được”.

Tiếp tục những ví dụ về nguyên nhân gây ùn tắc, ông Nguyễn Đức Nhanh nêu hiện tượng các chợ đầu mối lớn ở ngoại thành xây xong lại bỏ không trong khi các chợ đầu mối cũ trong nội thành đêm ngày tấp nập, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Đáng buồn là ngay khi thành phố đã có chỉ đạo di dời khẩn trương nhưng tiến độ thực hiện lại rất ì ạch. Chợ đầu mối Long Biên là một ví dụ điển hình.

Hà Nội luôn mơ về hệ thống giao thông hiện đại
Hà Nội luôn mơ về hệ thống giao thông hiện đại

“Các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn chậm tiến độ cũng ảnh hưởng lớn tới trật tự giao thông. Có 5 cái cầu vượt cho người đi bộ mà mất hai năm ì ạch mới xây xong một cái. Trong khi đó, một số con đường cửa ngõ Hà Nội lại đang xuống cấp nghiêm trọng, ổ trâu, ổ gà quá nhiều gây ùn tắc, tai nạn. Trong nội thành, đã có số tiền 7 tỷ đồng chi cho hệ thống đèn đếm lùi nhưng hai năm qua vẫn chưa triển khai hết. Hệ thống camera ghi hình vi phạm có 21 cái nhưng nay đã hỏng quá nửa mà chưa được thay...” - đại biểu Nguyễn Đức Nhanh nói.

Về các giải pháp cụ thể, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cho biết, phương án tổ chức cho cán bộ, công chức đi làm lệch giờ giữa cơ quan Trung ương và Hà Nội sẽ làm giảm mật độ phương tiện giao thông tập trung ở các nút trong giờ cao điểm. Ông Nguyễn Đức Nhanh đề nghị UBND TP sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Tiếp tục nêu ra các giải pháp, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông, phải tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng.

Liên quan tới vấn đề giãn tải giao thông nội thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, các công trình giao thông lớn đang được triển khai như đường vành đai III, cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc... là rất quan trọng. Bởi từ đó mới “kéo” được cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, các công trình này lại thi công rất chậm, không những không giúp được gì cho giao thông Hà Nội mà còn gây khó khăn thêm. Ông Phí Thái Bình nói: “UBND TP kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội báo cáo Quốc hội làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội. Nếu cứ kéo dài tình trạng chậm trễ như hiện nay là rất bất lợi cho giao thông Hà Nội”.

“Ngoài ra, phải mạnh tay xử lý cán bộ, công chức vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, có thể yêu cầu công chức đi làm bằng xe buýt. Tất nhiên, chất lượng dịch vụ phải cao mới đáp ứng được nhu cầu” – bà Khánh nói.

Đại biểu Vũ Hồng Anh bổ sung: “Phân luồng, phân tuyến phải rất khoa học mới chống được ùn tắc. Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông rất hạn hẹp, thành phố phải có tầm nhìn dài hạn về vấn đề này”.

Về quy hoạch dài hạn cho giao thông Thủ đô, đại biểu Phạm Thị Loan nêu: “Nước Nga từ 100 năm trước đã có tàu điện ngầm. Giao thông công cộng của họ được quy hoạch tốt như thế, nhìn xa như thế mà còn có khi ùn tắc.

Thế mà ở Hà Nội tới giờ vẫn chưa biết giao thông được quy hoạch thế nào? Giao thông công cộng sẽ phát triển tới đâu? Những gì hiện đang làm như hôm nay xây cầu, ngày mai mở đường... để chống ùn tắc chỉ là giải pháp tình thế.

Thành phố phải đưa ra được giải pháp và quy hoạch tổng thể về giao thông mới đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân.

Chính Trung