Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở thành phố

ANTD.VN - Theo UBND TP Hà Nội, thành phố đã chỉ ra được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, tuy nhiên việc cải thiện chất lượng không khí còn nhiều khó khăn.

Việc cải thiện chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội còn chậm

Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy về công tác bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.        

Theo đó, trước nhu cầu cấp bách, từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành 01 chương trình, 02 nghị quyết, 08 kế hoạch, 10 quyết định, 02 đề án và 02 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết quả triển khai thực hiện, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt (ngoại thành 89%, nội thành 100%), chất thải y tế (đạt 100%); đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành.

Cùng đó, thành phố đã xây dựng 08 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh; 100% khu công nghiệp, 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải…

Từ  2016 - 2019, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 10.883 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4.894 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt là 61,1 tỷ đồng.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, từ tháng 12-2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của thành phố; đồng thời triển khai 19 giải pháp tổng thể để khắc phục, giảm nồng độ bụi phát sinh.

Dù vậy, thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận, việc triển khai các chương trình nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 còn chậm. Đặc biệt, hiện chưa có đủ cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát khí thải dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại địa phương.

Cùng đó, tốc độ đô thị hóa tại thành phố diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hàng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường. Chưa kể, biến đổi khí hậu những năm qua ngày càng rõ rệt, ngày càng xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, đã tác động tiêu cực đến chất lượng không khí tại Thủ đô…

Trước thực trạng đó, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng... và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc.

Thành phố cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ…