Hà Nội cần "chiêu hiền, đãi sĩ" để trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo

ANTD.VN - Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần XVII, trong khi PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội quan tâm tới vấn đề thu hút nhân tài thì nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn bổ sung yếu tố "minh bạch"…

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội:

Hà Nội phải thể hiện khát vọng là trung tâm đổi mới, sáng tạo

Hà Nội cần "chiêu hiền, đãi sĩ" để trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo ảnh 1

"Cá nhân tôi đã đọc khá kỹ dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và đánh giá cao bố cục, nội dung của văn kiện này. Tôi muốn đóng góp thêm một số ý kiến vào phần mục tiêu của văn kiện.

Theo tôi, trong phần mục tiêu, Văn kiện đại hội của Đảng bộ thành phố Hà Nội cần phải làm sao thể hiện được rõ hơn khát vọng của người dân, cũng là thông điệp của thành phố với các tỉnh/ thành khác và với thế giới rằng: Hà Nội là trung tâm thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, chiêu hiền đãi sĩ.

Đồng thời, phải đưa ra thêm một thông điệp nữa, rằng: Hà Nội không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo mà còn là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hà Nội thu hút đầu tư phải khác với các tỉnh thành khác, tức không phải trở thành một công xưởng công nghiệp hóa mà phải là trung tâm nghiên cứu phát triển, phải thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn…

Muốn thế, Hà Nội cần phát huy tốt hơn vai trò của các trường học viện, đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn để đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Bên cạnh đó, trong văn kiện cũng đã đề cập đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nhưng theo tôi nội dung này cần phải được thể hiện nổi bật hơn, rõ nét hơn. Đó là chất lượng cuộc sống của người dân ra sao, giải quyết các vấn đề giao thông, môi trường, khí thải… như thế nào chứ không phải chỉ gói gọn ở an sinh xã hội.

Tôi cũng còn một chút băn khoăn về mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặt ra mục tiêu như vậy là rất đúng, nhưng cách thể hiện ra sao thì có lẽ nên cởi mở hơn một chút, bởi “người Hà Nội” ngày nay ngày càng đa dạng, là người đến từ nhiều tỉnh/ thành về đây sinh sống, hay kể cả là những bạn sinh viên ở các địa phương vừa về Hà Nội học tập.

Ngoài ra, một vấn đề nữa mà tôi chưa thấy thể hiện rõ trong dự thảo báo cáo chính trị là hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên trong quá trình phát triển thì cần đề cập rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, như vậy sẽ toàn diện hơn và khai thác tốt hơn các nguồn lực từ bên ngoài, huy động tốt hơn nội lực bên trong đối với sự phát triển của thành phố".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội:

Hệ thống thoát nước như đứa bé cõng trên lưng người khổng lồ

Hà Nội cần "chiêu hiền, đãi sĩ" để trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo ảnh 2

"Là một người làm nghề “viết lách” từ nhỏ, tôi đánh giá rất cao tổ biên tập dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần XVII nhiệm kỳ 2020-2025, từ bố cục đến văn phong rất rõ ràng, khúc chiết.

Đi vào các nội dung cụ thể, trước hết tôi tán thành với phương châm đặt ra trong báo cáo chính trị của đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Từng ý trong phương châm này đều rất đúng.

Tuy nhiên, nếu thêm vào phương châm này hai chữ “Minh bạch”, thành slogan “Đoàn kết – Minh bạch – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển” thì sẽ đầy đủ, trọn vẹn và “được lòng dân” hơn.

Thực tế cho thấy nhiều vấn đề bức xúc phát sinh giữa nhân dân với chính quyền cũng vì thiếu minh bạch mà ra. Hơn nữa, những năm gần đây, Hà Nội đã làm tốt hơn nhiều vấn đề này rồi nên cần phải đưa vào văn kiện.

Một vấn đề nữa mà Hà Nội cũng đã làm rất tốt trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa thấy đề cập rõ nét trong dự thảo báo cáo chính trị là cải cách hành chính. Là một công dân Thủ đô, sống ở quận Long Biên, tôi cảm nhận rất rõ sự tiến bộ, tích cực trong cải cách thủ tục hành chính của quận, của thành phố để tạo thuận lợi hơn cho nhân dân.

Đơn cử, trước đây khi đi đăng ký chiếc xe máy mới mua, vì ngại thủ tục nên tôi và nhiều người có tâm lý “thuê dịch vụ” làm cho nhanh. Thế nhưng bây giờ, khi có nhu cầu đăng ký xe máy, chúng tôi đến Công an quận nộp hồ sơ rất đơn giản, thuận tiện và được giải quyết rất nhanh, không cần phải “nhờ cậy” ai cả và thực sự người dân rất hài lòng.

Về phương hướng, mục tiêu tổng quát, các khâu đột phá và các nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội cần lưu tâm và có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết hai việc lớn là ách tắc giao thông và ngập úng.

Tôi biết rằng trong khu vực nội đô hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố chúng ta cơ bản được xây dựng rất lâu, thậm chí từ thời Pháp thuộc. Khi đó, chúng ta chỉ thiết kế hệ thống thoát nước cho thành phố khoảng 10 vạn người, nhưng nay Thủ đô ta đã có hơn 8 triệu dân (không tính vùng ngoại thành). Tôi vẫn ví von, hệ thống thoát nước của thành phố như vậy giống như “một đứa bé cõng trên lưng người khổng lồ”.

Còn về nội dung “Phát huy giá trị văn hóa và con người Thủ đô, nâng cao niềm tự hào, khát vọng phát triển đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân Thủ đô”, tôi cũng đồng tình với quan điểm rằng với Thủ đô nghìn năm văn hiến thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết.

Do đó, ngoài việc đặt ra mục tiêu, thành phố cần có các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để phát huy tốt giá trị này".