10 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới

Hà Nội cần bắt đầu từ quy hoạch, cải tạo đô thị để xây dựng thành phố thông minh

ANTD.VN - Những kết quả mà Hà Nội đạt được trong 10 năm đầu tiên sau khi mở rộng địa giới hành chính (vào năm 2008) là rất lớn, nhưng chắc chắn đó mới chỉ là tiền đề cho một chặng đường phát triển bền vững của Thủ đô… Để có cái nhìn sinh động và toàn diện về bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Hà Nội đã thực sự trở thành một chỉnh thể đồng nhất

- PV: Khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào năm 2008, rất nhiều băn khoăn, lo lắng được đặt ra. Đến nay, sau 10 năm nhìn lại, ông đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế xã hội của Thủ đô đã thay đổi ra sao?

- ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thành công lớn nhất và có thể nhìn thấy ngay được sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của Hòa Bình về Hà Nội), đó chính là sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ. Lẽ thông thường khi tách ra thì không sao nhưng nhập vào thì bao giờ cũng dễ xảy ra lục đục, xung đột quyền lợi, lợi ích.

Chẳng hạn một ông đang là cấp trưởng, là giám đốc Sở, nay sáp nhập thì có thể phải xuống làm cấp phó, rồi có người đang là cấp quản lý giờ phải xuống làm chuyên viên, đương nhiên không tránh khỏi tâm tư. Thế nhưng rõ ràng nhìn lại thời gian qua, Hà Nội đã làm rất tốt công tác này, tâm tư của cán bộ là có nhưng hầu như không có khiếu kiện, tố cáo phức tạp hay mất đoàn kết. 

Tôi nghĩ rằng, thời kỳ 2007, 2008, khi chuẩn bị, bắt đầu mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, rất nhiều người, kể cả nhân dân lẫn cán bộ còn hoài nghi, băn khoăn. Không ít ý kiến cho rằng cứ “nhập vào rồi lại tách ra”, hay “chắc một ngày nào đó sẽ lại trả lại tên cho em”, thậm chí so sánh với “một cuộc hôn nhân cưỡng ép”…, nhưng thời điểm này thì không ai còn nghi ngờ nữa. Bức tranh Hà Nội 10 năm sau khi mở rộng đã thực sự trở thành một chỉnh thể thống nhất.

Thành công thứ hai, đó là sự hòa đồng về thể chế kinh tế trên toàn thành phố. Trước khi sáp nhập về Hà Nội, các địa bàn của Hà Tây cũ hay huyện Mê Linh có rất nhiều thể chế, cơ chế hoạt động kinh tế, chính sách khác nhau, nhất là chính sách về đất đai, thế nhưng sau khi hợp nhất, thể chế kinh tế của toàn thành phố đã được đồng nhất. Đây là việc rất khó nhưng Hà Nội đã làm được. Hai thành công về yếu tố con người và thể chế chính là cốt lõi, là tiền đề để tạo ra lực, sức mạnh cho thành phố phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững, không chỉ trong 10 năm qua mà cả thời gian tới. 

Thực tế, bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính đã thay đổi rất nhiều cả về quy mô và chất lượng. Điều này thể hiện qua các con số ấn tượng như: quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn 10 năm qua tăng gần 2 lần, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 gấp 2,3 lần so với năm 2008, thu ngân sách năm 2017 gấp 3 lần so với năm 2008… Đây là sự chuyển mình thực sự đáng ghi nhận.

Cũng cần phải thấy rằng, Hà Nội ngày nay không chỉ là một đô thị thuần túy như trước khi mở rộng mà đã định hình lên một không gian “vùng Thủ đô”, với các đô thị vệ tinh được quy hoạch và đang dần hình thành. Cùng đó, cơ cấu kinh tế của thành phố cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đa dạng, không chỉ là dịch vụ mà có cả công nghiệp, nông nghiệp, du lịch với giá trị gia tăng cao. Về bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn, với sự hình thành của nhiều trung tâm thương mại lớn, nhiều khu đô thị mới. Đặc biệt, về mặt xã hội đang ngày càng có sự hòa hợp, sự giao lưu, liên kết giữa người dân ở trung tâm thành phố với các vùng mới sáp nhập ngày càng tăng lên.

Tôi nghĩ rằng, thời kỳ 2007, 2008, khi chuẩn bị, bắt đầu mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, rất nhiều người, kể cả nhân dân lẫn cán bộ còn hoài nghi, băn khoăn. Không ít ý kiến cho rằng cứ “nhập vào rồi lại tách ra”, hay “chắc một ngày nào đó sẽ lại trả lại tên cho em”, thậm chí so sánh với “một cuộc hôn nhân cưỡng ép”…, nhưng thời điểm này thì không ai còn nghi ngờ nữa. Bức tranh Hà Nội 10 năm sau khi mở rộng đã thực sự trở thành một chỉnh thể thống nhất.

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, theo ông đâu là những hạn chế, khó khăn mà thành phố cần nhận thấy để có giải pháp khắc phục? 

- Có thể thấy, dù Hà Nội đã có bước phát triển mạnh song nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan thì sau 10 năm mở rộng địa giới, thành phố vẫn chưa có yếu tố nào thực sự nổi bật, một lĩnh vực nào thực sự là điểm nhấn, bứt phá vượt bậc. 

Ở khu vực đô thị trung tâm, nhiều đô thị mới, trung tâm thương mại mọc lên, nhiều đường sá được mở mới hoặc mở rộng, nhưng về cơ bản hạ tầng vẫn còn hạn chế, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra, dịch vụ vẫn thiếu đồng bộ, áp lực dân số ngày càng lớn… Ở vùng ngoại thành cũng chưa thực sự có thay đổi đột phá, các đô thị vệ tinh hình thành chưa rõ nét, người dân, lao động vẫn đổ dồn về trung tâm thành phố… Rồi dưới góc độ kinh tế, cũng chưa nhìn thấy rõ đâu là lĩnh vực, sản phẩm mà Hà Nội có thế mạnh cạnh tranh hơn hẳn các địa phương khác.

Ngoài lý do khách quan, tôi cho rằng các hạn chế nói trên cũng có nguyên nhân chủ quan như chiến lược phát triển của thành phố vừa qua chưa thực sự chú trọng đầu tư thỏa đáng đến mở rộng không gian phát triển, đầu tư phát triển các đô thị vệ tinh còn hạn chế. Tôi thiết nghĩ, thay vì dành quá nhiều nguồn lực để cải tạo hạ tầng trong nội đô, nên phân bổ nguồn lực nhiều hơn vào xây dựng hạ tầng đồng bộ ở các đô thị mới, đô thị vệ tinh để kéo giãn dân từ nội thành ra thì sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. 

Hà Nội cần bắt đầu từ quy hoạch, cải tạo đô thị để xây dựng thành phố thông minh ảnh 3Hà Nội đã đồng bộ xây dựng hạ tầng đô thị phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua (Ảnh: Lam Thanh)

Hạ tầng thiếu đồng bộ thì không thể xây dựng thành phố thông minh

- Hiện nay, Hà Nội đang bước vào giai đoạn mới là xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, trước hết là tập trung xây dựng đề án chính quyền đô thị. Theo ông, những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm gì mà thành phố nên tập trung để triển khai thành công các kế hoạch phát triển mới này?

- Xây dựng thành phố thông minh là cần thiết và cũng là tất yếu trong quá trình phát triển của Thủ đô thời gian tới. Muốn xây dựng thành phố thông minh, tôi cho rằng cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, cải tạo đô thị, hình thành ra các trung tâm đô thị mới. Xây dựng thành phố thông minh phải bắt đầu từ các trung tâm đô thị mới, chứ vẫn các khu tập thể cũ, xập xệ; vẫn các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm; vẫn các trụ sở cơ quan cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, hạ tầng thiếu đồng bộ… thì không thể trở thành một thành phố thông minh được. 

Tôi lấy ví dụ, ở các khu tập thể cũ, xập xệ trong nội thành hiện nay, trừ các khu cần bảo tồn hay khu vực khống chế chiều cao xây dựng, thành phố có thể tạo cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng thành các tòa nhà cao tầng, đô thị mới hiện đại, quy hoạch không gian thành phố ngầm để giảm diện tích sử dụng trên mặt đất. Phần diện tích tiết kiệm được có thể làm không gian công cộng, bãi đỗ xe, xây dựng hạ tầng đồng bộ… thì diện mạo đô thị của thành phố chắc chắn sẽ hiện đại hơn nhiều.

- Trân trọng cảm ơn ông!

ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần chú trọng xây dựng văn hóa đô thị, tổ chức xã hội đô thị

Hà Nội cần bắt đầu từ quy hoạch, cải tạo đô thị để xây dựng thành phố thông minh ảnh 4

“Cái dễ nhận thấy là sau 10 năm qua, Hà Nội thay đổi rất nhiều về hạ tầng do sự phát triển của nền kinh tế. Mở rộng địa giới hành chính Hà Nội mang lại nguồn lực rất lớn cho sự phát triển khi nằm trong lòng Thủ đô có không gian kinh tế mở rộng, rất nhiều vùng không gian tiềm năng, trong đó có cả  vùng di sản. Ngay ở trung tâm đô thị của Hà Nội, rất nhiều thay đổi tích cực như cây xanh, nước sạch, môi trường…

Tuy nhiên, sau 10 năm qua, rõ ràng bộ mặt Thủ đô mà người ta nhìn thấy vẫn là các trung tâm đô thị cũ. Cái hạn chế tôi muốn chỉ ra là dù không gian kinh tế mở rộng song dường như đầu tư phát triển vẫn co cụm, vẫn tập trung vào khu vực nội đô và quanh các quận nội thành. Lý do một phần vì phát triển đô thị ở các địa bàn mới sáp nhập vào Hà Nội vẫn chủ yếu tập trung vào bất động sản chứ chưa hình thành được kết cấu tổ chức xã hội, hạ tầng thiếu đồng bộ, đơn cử nhiều khu đô thị nhưng không có trường học, đường sá, hệ thống giao thông công cộng để kết nối còn thiếu… nên không hút được người dân.

Về văn hóa, sau khi mở rộng địa giới, Hà Nội trở thành nơi tích hợp của không gian văn hóa Thăng Long và xứ Đoài xưa. Đừng quan niệm đây là một phép cộng đơn thuần mà phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy đặc sắc của từng nét văn hóa, tiến tới xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh, giàu văn hóa, nhất là văn hóa đô thị”. 

Tiến Hưng (Ghi)