Hà Nội: 7/22 chỉ tiêu kinh tế xã hội 2019 vượt kế hoạch

ANTD.VN - Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, KT-XH của Thủ đô năm 2019 đạt được kết quả toàn diện với 7/22 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch.

Hà Nội: 7/22 chỉ tiêu kinh tế xã hội 2019 vượt kế hoạch ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị

Sáng 23-11, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 219, đường Trần Phú, quận Hà Đông), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tiến hành hội nghị lần thứ hai mươi mốt thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. 

Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, KT-XH của Thủ đô năm 2019 đạt được kết quả toàn diện: GRDP tăng 7,46% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đạt KH đề ra; xuất khẩu tiếp tục tăng cao (25,8%); thu ngân sách được đảm bảo.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng (11%) và vốn đăng ký (30%).

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, xây dựng các huyện thành quận được lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, tuyển dụng, đào tạo công chức, viên chức.

Quốc phòng được củng cố; diễn tập phòng thủ diễn ra an toàn tuyệt đối; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển toàn diện; hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được quan tâm đẩy mạnh, khẳng định rõ nét vị thế của Thủ đô.

Có 7/22 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch (GRDP/người; vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; BHXH tự nguyện; Giảm nghèo; tỷ lệ thất nghiệp thành thị; nước sạch nông thôn).

Với kết quả trên, thành phố vinh dự năm thứ 4 liên tiếp được nhận Cờ thi đua Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng (1 Huân chương Độc lập, 31 Huân chương Lao động...).

Bên cạnh kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ một số tồn tại và hạn chế như: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, tuy có xu hướng chậm lại từ đầu tháng 9/2019 song diễn biến vẫn phức tạp; đàn lợn giảm 33,4% tổng đàn so với cùng kỳ.

Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước, trong đó có chỉ số thành phần mới được đưa vào xác định trong năm 2018 (Quản trị môi trường, Quản trị điện tử) đạt điểm số rất thấp.

Quản lý vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế, nhất là ở các làng nghề. Ô nhiễm không khí quan trắc được tại các trạm không quan trắc tự động cho thấy chất lượng không khí suy giảm mạnh trong thời gian chuyển mùa (tháng 3 và tháng 9/2019); xảy ra ô nhiễm nguồn nước Sông Đà gây ảnh hưởng sinh hoạt và đời sống của một số khu vực dân cư.

Còn tồn tại những hành vi thiếu văn hóa diễn ra ở nơi công cộng; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, công trình công ích ở một số bộ phận nhân dân chưa cao.

Bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra, một số vụ việc gây bức xúc dư luận; xuất hiện một số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em cho thấy sự vô cảm vẫn còn tồn tại.

Nguyên nhân của các tồn tại, theo UBND TP, về khách quan là do quy trình thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng theo các Luật mới có nhiều thay đổi làm kéo dài thời gian thẩm định và ảnh hưởng tiến độ của dự án; di dân cơ học lớn tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là khu vực nội thành; Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngoài ra, quy mô, khối lượng, tính chất phức tạp của những công việc hàng ngày phải giải quyết càng lớn, với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế...

Nguyên nhân chủ quan là do giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt ở một số đơn vị. Năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức kỷ luật có chuyển biến song chưa đồng bộ.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa đạt hiệu quả cần thiết; sự đồng thuận cơ bản tốt song vẫn tồn tại các bộ phận nhỏ gây cản trở, khó khăn trong thực thi chính sách, pháp luật.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kỷ luật của nhiều đơn vị cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, kết quả còn hạn chế; chưa có các biện pháp chế tài đủ mạnh trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm và biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn…