Hà Nội: 6 tháng giải quyết trên 1.800 vụ khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh đối thoại với dân

ANTD.VN - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, các cấp ngành của thành phố đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là đẩy mạnh đối thoại để giải tỏa nhiều bức xúc của người dân…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị

Ngày 26-6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, 6 tháng đầu năm nay, việc thực hiện QCDC ở cơ sở của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố. Đáng chú ý, các cấp, các ngành đã chú trọng, tập trung làm tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.131 vụ khiếu nại, tố cáo (gồm 1.500 vụ khiếu nại, 631 vụ tố cáo); đã giải quyết 1.800 vụ (đạt 84,46%), số còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 293 triệu đồng và 1.082m2 đất...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và nêu rõ, việc thực hiện QCDC ở cơ sở từ xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thời gian qua được tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thông qua đối thoại, tuyên truyền, gặp gỡ đã góp phần giải tỏa bức xúc của người dân và tạo ổn định từ cơ sở.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố tiếp tục thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương, thành phố và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải bám sát cơ sở, làm tốt công tác nắm tình hình, chỉ đạo các đơn vị được phân công phụ trách thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự. Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC thành phố giao Ban Dân vận Thành ủy chủ trì và đôn đốc việc thực hiện việc kiểm tra QCDC ở cơ sở.

Ngoài ra, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, Ban Chỉ đạo QCDC cần phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy để tập trung giải quyết gần 120 vụ việc phức tạp, bức xúc còn tồn đọng. Đồng thời, tích cực tham gia và phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.