Gửi trẻ ở cơ sở tư nhân, khó yên tâm

ANTĐ - Đọc những dòng nhật ký đẫm nước mắt của người mẹ trẻ có con trai bị cô giáo, bảo mẫu bạo hành ở cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca, phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình), không ai cầm được nước mắt. Nhiều người vẫn chưa quên những vụ bạo hành trẻ ở điểm nuôi dạy tư nhân, tự phát mọc lên ở các khu dân cư, các khu công nghiệp xung quanh các thành phố, đô thị. Sự độc ác, vô lương tâm của những người có liên quan trong vụ việc gây nên nỗi lo với nhiều gia đình khác có con trẻ trong độ tuổi nhỏ, cần được chăm sóc và nuôi dạy.

Sự bất an từ một số cơ sở mầm non không phép như cơ sở Sơn Ca ở Quảng Bình vẫn nhận trông trẻ, dạy trẻ như vậy, khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý trên địa bàn của chính quyền cơ sở và yêu cầu kiểm định chất lượng nuôi dạy trẻ của ngành giáo dục. Vẫn biết, chính quyền địa phương, ngành giáo dục cũng đã vào cuộc kiểm tra, đình chỉ và pháp luật đã xử lý một số chủ cơ sở cũng như cô giáo, bảo mẫu bạo hành trẻ.

Tuy nhiên, không chỉ một địa phương, một khu dân cư đông đúc vốn rất thiếu các trường mẫu giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ công lập, xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thế. Tình trạng các cơ sở chui quy mô lớn, chưa được cấp giấy phép hoạt động vẫn ngang nhiên đón nhận hàng trăm trẻ ngay trước mắt chính quyền cơ sở, là có thật. 

Đáng lo ngại là, chỉ khi người dân ghi hình bằng điện thoại di động, bắt quả tang sự việc, rồi lên tiếng tố cáo thì các lực lượng chức năng mới “ngã ngửa” và nhanh chóng vào cuộc xử lý. Đơn cử, tại cơ sở Sơn Ca, khi đại diện Sở GD-ĐT Quảng Bình dẫn đầu đoàn kiểm tra đến nơi thì mới “phát hiện” được, đây là điểm nuôi dạy trẻ tư nhân chưa được cấp phép hoạt động. Sao thế nhỉ? Giữa khu đô thị đông đúc, cả một cơ sở mầm non nằm chình ình ra đấy, nhộn  nhịp nhiều ngày nay mà chẳng cơ quan chức năng nào phát hiện nổi là hoạt động không phép. Sự lạ này quả thực cũng khó có cách biện minh, lý giải nào khác hơn, là sự buông lỏng, vô trách nhiệm của nhiều cơ quan có liên quan trên địa bàn. 

Ông Giám đốc Sở thừa nhận, để xảy ra sự việc đáng tiếc, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, không có động thái nào trước một điểm nuôi dạy gần 100 trẻ, tự ý hoạt động công khai cho đến khi xảy ra vụ việc.

Thử hỏi, nếu mỗi địa phương mở một đợt tổng kiểm tra, rà soát hàng nghìn cơ sở nuôi dạy trẻ, liệu có “phát hiện” ra cái gì gọi là trường, lớp trông giữ, chăm sóc trẻ không đủ điều kiện tối thiểu để hoạt động như thế? Bởi dạy trẻ không đơn giản chỉ là có những căn phòng nhỏ, có người trông giữ là xong mà còn biết bao tiêu chuẩn cần phải tuân thủ về ánh sáng, không khí, cơ sở vật chất lớp học, chỗ vui chơi, nơi chạy nhảy, cũng như miếng ăn, thức uống, giấc ngủ và điều đặc biệt quan trọng là nguồn nhân lực đủ kỹ năng để có thể đáp ứng việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Có một thực tế cần phải nhìn thẳng là, ngoại trừ Hà Nội, TP.HCM, các cơ sở công lập tạm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 6 tuổi, và những nhóm trông trẻ tư nhân không đến mức tệ hại. Song, ở nhiều tỉnh, thành phố khác, nhất là những khu vực tập trung công nhân, người thu nhập thấp, họ không còn sự lựa chọn nào khác là phó mặc con cái vào bàn tay, tấm lòng của những cô giáo, bảo mẫu chưa chắc đã được đào tạo chuyên môn, kỹ năng nuôi dạy.

Bởi thế,  việc xử lý nghiêm trước pháp luật những chủ cơ sở mầm non và bảo mẫu vi phạm, chỉ là phần ngọn. Giải pháp tận gốc dường như chưa tìm ra cho nên nhiều người vẫn đành “nhắm mắt” gửi con vào các điểm trông trẻ tư nhân mà thâm tâm vẫn nơm nớp lo ngại, không yên tâm.