GS-TS Trần Văn Khê vừa qua đời ở tuổi 94

ANTĐ -Sau gần 1 tháng nằm viện điều trị, mặc dù được đội ngũ y bác sĩ tận tình cứu chữa, song GS-TS Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng vào 2h55 sáng nay 24-6-2015. Qua đời ở tuổi 94, vị nhạc sĩ được ví như cây đại thụ trong giới học thuật liên quan đến âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác, để lại kho di sản âm nhạc vô giá và cả nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người.

GS-TS Trần Văn Khê nhập viện vào ngày 27-5-2015 trong tình trạng người bị mệt và khó thở. Sau khi thăm khám, các bác sỹ bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) kết luận ông bị suy thận và viêm phổi ở mức độ nghiêm trọng. Trong suốt quá trình nằm lại điều trị, GS-TS Trần Văn Khê được cách ly chăm sóc ở khoa Hồi sức đặc biệt và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mọi người để đảm bảo sức khỏe.
Trước đó GS-TS Trần Văn Khê từng nhiều lần thăm khám và điều trị tại đây vì nhiều chứng bệnh nội khoa như tim, phổi, thận, trong đó nặng nhất là viêm phổi. Lần nhập viện cuối cùng của ông cũng là lần các chứng bệnh trên trở nặng nhất.

 

Trong những ngày cuối cùng điều trị tại bệnh viện, bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê cũng được người thân của ông công bố. Theo đó, vị GS-TS đáng kính đã dự liệu mọi chuyện hậu sự của mình rất chi tiết. Dù không theo tôn giáo nào song GS-TS Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi lễ Phật giáo.

Cũng theo bức di nguyện, ban tang lễ sẽ do con trai trưởng của ông – GS-TS Trần Quang Hải làm chủ tang, còn tiểu ban sẽ bao gồm: nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý. Nhạc sĩ Nhất Dũng được ủy thác phụ trách Ban nhạc lễ bên cạnh một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê tạo nên một buổi hòa tấu đặc biệt trong tang lễ.

 

Theo mong mỏi của GS-TS Trần Văn Khê thì sau khi ông mất, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia ở số 32 Huỳnh Đăng Hai, P24, Quận Bình Thạnh, TPHCM) trong thời gian 7 đến 10 ngày để các con cháu, bạn bè thân thuộc ở gần xa có thời gian về kịp dự tang. Toàn bộ chi phí lo liệu tang lễ GS-TS Trần Văn Khê nêu rõ là sử dụng từ tiền mặt của mình và trích từ sổ tiết kiệm của ông tại Việt Nam. Bên cạnh đó, GS-TS Trần Văn Khê cũng mong muốn tiền phúng điếu sẽ được dùng để thành lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hàng năm dành cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Một trong những di nguyện đặc biệt của GS-TS Trần Văn Khê là dành ngôi nhà mà ông ở khi còn sống ở Việt Nam được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê mà mọi người đều có thể dễ dàng tìm đến thư viện để đọc sách, tham khảo tư liệu và nghiên cứu. Bà Nguyễn Thị Na – người giúp việc đã tận tình chăm sóc cho GS-TS Trần Văn Khê cũng được ông nhắc đến trong bản di nguyện. Theo đó, GS-TS Trần Văn Khê cho biết, bà Na là người đã tự tay chăm sóc ngôi nhà trên và biết rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này, vì thế ông mong bà Na sẽ tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này. Trước đó, theo chia sẻ từ một số người nhà của GS-TS Trần Văn Khê thì dù đã tuổi cao sức yếu, mắt lại kém, đi lại phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng ông vẫn làm việc liên tục với tâm niệm có thể hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc lưu lại cho thế hệ sau. 2 ngày trước khi phải vào viện điều trị lần cuối, GS-TS Trần Văn Khê vẫn tham gia một buổi giao lưu trò chuyện về âm nhạc dân tộc.

 

Ngoài đời, GS-TS Trần Văn Khê được mọi người kính trọng và ngưỡng vọng không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi lối sống bình dị, nghĩa tình và tấm lòng nhân hậu. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với giới học thuật về âm nhạc dân tộc của Việt Nam và cả những người yêu mến tài năng, nhân cách của cây đại thụ âm nhạc đáng kính này.

GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Từ năm 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc. Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.