GS Nguyễn Minh Thuyết: "Xu thế của thế giới là một chương trình nhiều bộ SGK"

ANTD.VN - Trước nhiều ý kiến bàn lại về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới GS Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra sự ngạc nhiên và cho rằng sẽ gây hoang mang cho người dân.

Thế giới đổi mới, mình vì sao vẫn giữ nguyên?

“Vừa qua, có thông tin xem xét lại chủ trương một chương trình nhiều SGK khiến tôi ngạc nhiên. Vì tại sao Nghị quyết quốc hội đã ban hành rồi mà vẫn còn ý kiến phân vân như vậy? Về mặt thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88. Nhưng quy trình để ban hành một Nghị quyết mới sẽ rất lâu.

Thứ hai, tất cả mọi người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 của Quốc hội ngang với Luật và đã được ban hành rồi. Không ai nói là Quốc hội không ra được Nghị quyết mới. Nhưng phải trao đổi với Bộ trước, chứ không mọi người sẽ hoang mang”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.

Theo GS Thuyết, từ năm 1956 chúng ta đã nhiều bộ SGK, GS. Nguyễn Lân cũng viết SGK của riêng mình và được đưa vào nhà trường giảng dạy cùng nhiều tác giả khác. Từ những năm 1970 mới thu gọn lại không còn SGK tư nhân nên miền Bắc chỉ có 1 bộ SGK. Đến năm 2005, mới có hai bộ SGK ở bậc THPT là bộ ban cơ bản và bộ ban nâng cao. Còn ở miền Nam đến trước ngày thống nhất vẫn dùng nhiều bộ SGK.

Mặt khác, theo ông, xu thế của thế giới là 1 chương trình nhiều SGK, mình đổi mới mà vẫn giữ cái 1 chương trình 1 Bộ SGK là không ổn. Nghị quyết 88 ra đời là tạo điều kiện để huy động trí lực của xã hội. GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, ở Mỹ, giáo viên có quyền được viết SGK.

Chương trình mới sắp triển khai được GS. Thuyết đánh giá là được xây dựng “một cách bài bản nhất” căn cứ trên “kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn” và các quy định pháp lý có liên quan tại Việt Nam.

Phương pháp chính được áp dụng trong xây dựng chương trình GDPT mới bao gồm: Vận dụng phương pháp “sơ đồ ngược” và vận dụng phương pháp đánh giá tác động của chính sách.

Về phương pháp “sơ đồ ngược”, thay vì thực hiện các xây dựng môn học cụ thể ngay từ ban đầu như các chương trình trước, chương trình mới sẽ xác định các mục tiêu cần đạt về phẩm chất và năng lực trong bối cảnh thế giới và Việt Nam trước và thực hiện từng bước để cụ thể hóa trong từng môn học.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết hiện nay đã có 20/25 hội đồng thẩm định của các môn học thông qua. Ban soạn thảo đang tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật. Sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GD&ĐT để xem xét với dự kiến tháng 10 sẽ ban hành chương trình môn học.

Theo GS Thuyết, một chương trình một bộ SGK sẽ hạn chế sáng tạo và vẫn theo lối mòn cầm tay chỉ việc

Một chương trình nhiều bộ SGK - thời điểm nào thì phù hợp?

GS Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm 1 Hà Nội) cũng cho rằng, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam sớm muộn gì cũng phải làm. Theo GS Nga, việc có nhiều bộ SGK sẽ phá vỡ thế độc quyền lâu nay, nhà trường sẽ có sự lựa chọn. Tuy nhiên, mới đây, việc rộ lên làn sóng phản đối cuốn sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại cho thấy, dường như việc định hướng dư luận và truyền thông chưa được tốt. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành về việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK.

Tuy nhiên, từ trước đó ông đã có quan điểm nên để một chương trình, một bộ SGK thống nhất, chỉ có tài liệu tham khảo là có thể làm nhiều. Theo TS Tùng Lâm, hiện nay điều kiện đất nước còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao. Vì thế, ông vẫn giữ quan điểm, cả nước tập trung nhân lực, điều kiện tổ chức thực hiện thật tốt một bộ SGK là đủ. 

 “Việc thực hiện nhiều bộ sách cùng lúc thì mặt lợi là các đơn vị làm sách sẽ phải cạnh tranh nhau nên làm đẹp hơn, giá thành mềm hơn nhưng mặt trái cũng nhiều. Tuy nhiên khi mỗi trường chọn một bộ SGK thì năm sau, em đã không học được sách của anh rất lãng phí”- TS Lâm phân tích. 

Ngoài ra, TS Lâm còn lo ngại khi có nhiều bộ SGK, ở địa phương này, địa phương khác sẽ khó tránh khỏi chuyện quan hệ, “bôi trơn” bằng hoa hồng để bán sách tốt hơn. Khi đó, các trường thậm chí so đo, đơn vị nào trích phần trăm hoa hồng cao hơn sẽ chọn chứ không quan tâm đến chất lượng, ý kiến của phụ huynh, giáo viên nữa.