Góp phần tạo môi trường thân thiện

(ANTĐ) - Dự kiến đầu năm 2012, Luật Thuế môi trường sẽ được áp dụng. Theo đó, bao bì nilon sẽ bị áp thuế lên đến 150-200%. Liệu đây có phải là cơ hội để bao bì tự hủy - vốn đang gian nan trong hành trình tìm đường ra thị trường sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Góp phần tạo môi trường thân thiện

(ANTĐ) - Dự kiến đầu năm 2012, Luật Thuế môi trường sẽ được áp dụng. Theo đó, bao bì nilon sẽ bị áp thuế lên đến 150-200%. Liệu đây có phải là cơ hội để bao bì tự hủy - vốn đang gian nan trong hành trình tìm đường ra thị trường sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Đi tiên phong trong việc chuyển hướng sử dụng bao bì tự hủy, mới đây hệ thống Siêu thị Co.op Mart đã chính thức đưa túi nilon tự hủy vào sử dụng trong 21 siêu thị của hệ thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thay thế túi nilon nhựa thông thường và không tính vào giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, để đưa được túi nilon tự hủy vào sử dụng, doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, có hàng chục đơn vị, doanh nghiệp cho biết là sản xuất bao bì thân thiện môi trường, mỗi đơn vị đều có những phương thức sản xuất và các loại phụ gia khác nhau, song đơn vị tiêu dùng lại chưa biết căn cứ vào đâu để chắc chắn loại túi đó có thực sự phân hủy sinh học hay không.

Túi nilon tự hủy sẽ góp phần bảo vệ môi trường
Túi nilon tự hủy sẽ góp phần bảo vệ môi trường

Đến thời điểm này, nước ta đã có sản phẩm túi nilon tự hủy được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận nhãn xanh Việt Nam, đó là sản phẩm của Công ty TNHH Phúc Lê Gia. Ông Lê Lộc, Giám đốc công ty cũng cho biết phải mất nhiều năm gửi sản phẩm sang Thụy Điển, sản phẩm của ông mới được chứng nhận là phân hủy sinh học. Và cũng phải mất nhiều năm gõ cửa các cơ quan trong nước, mới đây sản phẩm của ông mới được Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận. Nhưng đến nay sản lượng mỗi tháng tiêu thụ công ty chỉ từ 20-30 tấn so với công suất là 100 tấn/tháng.

Theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, việc các sản phẩm trong nước có thực sự phân hủy sinh học hay không thì chưa có khẳng định. “Tôi đã thử nhiều mẫu được gọi là nguyên liệu của một nước tiên tiến nhưng không thấy nó phân hủy sinh học (tức là không thấy có hiện tượng nấm mốc hay vi sinh ăn chúng và giải phóng CO2 và nước) dù đã 2-3 năm”.

Cũng theo PGS Hồ Sơn Lâm, sở dĩ bao bì tự hủy khó đi vào cuộc sống vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể cho ra đời những loại bao bì phân hủy sinh học có chất lượng và giá thành rẻ như loại túi nilon thông thường được sản xuất từ polymer đi từ dầu mỏ. Loại polymer đi từ dầu mỏ cũng có khả năng tự phân hủy do tác động của môi trường thành CO2 và nước nhưng với thời gian khoảng 400 năm và việc tiêu hủy nó có thể sinh ra các chất độc hại. Trong khi đó polymer phân hủy sinh học có thời gian phân hủy chỉ từ vài tháng đến vài năm trong điều kiện bình thường và không gây ô nhiễm môi trường nhưng giá thành lại rất đắt.

Hiện nay, người ta cũng nghiên cứu biến tính polymer đi từ dầu mỏ (PE,PP) với tinh bột để tạo ra polymer dễ phân hủy hơn với giá thành rẻ và thường quảng cáo đó là polymer phân hủy sinh học. Loại này có thể nhanh chóng phân hủy trong vòng vài năm đến vài chục năm, tuy nhiên, phần polymer đi từ dầu mỏ bị cắt nhỏ vẫn phải rất lâu vi sinh vật mới ăn hết chúng. Trong quá trình chờ đợi đó, các phần tử này sẽ bít các lỗ xốp của đất, làm cho đất vón cục, không thấm nước, sẽ bạc màu và sa mạc hóa. Sự phân hủy nửa vời như vậy sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.

Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đánh thuế vào các sản phẩm không thân thiện với môi trường nhằm chuyển hướng tiêu dùng của người dân sang sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, đầu tư sản xuất sản phẩm thay thế. Tuy nhiên, ở nước ta, thời hạn áp dụng Luật Thuế môi trường đã cận kề nhưng lại chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc thay thế tiêu dùng.

Các doanh nghiệp chủ động đón đầu lại gặp vô vàn khó khăn. “Chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu chuyển hóa sinh khối thành nhiên liệu, vật liệu mới, nhưng rất tiếc, khó có được sự tài trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước thì chỉ chủ trương nhập, doanh nghiệp tư nhân thì “tiền trao cháo múc”. Những sản phẩm trong phòng thí nghiệm chỉ để báo cáo còn sản phẩm vẫn chưa đến tay người tiêu dùng” - ông Lâm nêu ý kiến.

Linh Nhật