Gỡ "nút thắt" nguồn vốn cho dự án Sân bay Long Thành

ANTD.VN - Phương án xây dựng 2 khu tái định cư có hợp lý, mức giá đền bù như dự kiến có gây thiệt thòi cho người dân và đặc biệt là phương án nguồn vốn cho dự án nhận sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu (ĐB) trong phiên thảo luận Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 13-11.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) kiến nghị phương án bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia 

Quy hoạch thành phố sân bay song song với Long Thành ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế với lưu lượng trên 25 triệu hành khách/năm thường kéo theo sự phát triển của thành phố sân bay.

Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng lên tới 100 triệu hành khách, lại nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ nên chắc chắn tại đây sẽ hình thành, phát triển khu vực đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển thành một thành phố sân bay hàng nghìn hecta ở khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An.

Khi đó, việc hình thành một khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành một thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này. Do vậy, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và điều chỉnh lại các quy mô của những lô đất đã quy hoạch để tái định cư với diện tích quá lớn từ 250 đến 300m2.  

Quan tâm tới vấn đề việc làm cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được cách giải quyết, tạo việc làm cho 2.579 người đang làm nghề nông nghiệp, 3.828 người đang làm công nhân và 1.100 người đang thất nghiệp trong vùng dự án. Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cảnh báo: “Từ khi có Nghị quyết cho đến nay đã có rất nhiều hộ đã “nhảy dù” vào và đề nghị bổ sung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi”.

Dùng nguồn tiền nào cho dự án?

Vấn đề huy động nguồn tiền phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều tại phiên thảo luận. ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho biết, theo Nghị quyết 26 năm 2016 bố trí 5.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, nay trình Quốc hội bố trí 23.000 tỷ đồng, như vậy hơn 18.000 tỷ đồng sẽ phải lấy từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Tuy nhiên nguồn này chỉ được sử dụng khi nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo kế hoạch, song trong thời gian này NSNN đang rất khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch nên khó có thể sử dụng nguồn dự phòng này, bên cạnh đó nhiều dự án khác cũng đang sử dụng nguồn dự phòng thì liệu nguồn này còn đủ không?”, ĐB Phùng Đức Tiến băn khoăn. 

Thiên về phương án 1 là bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26 và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nêu quan điểm, phương án này khả thi hơn vì Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia vào kế hoạch 2016-2020.

Nếu thực hiện phương án 2 là ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án thì đây là dự phòng của từng khoản mục, từng địa phương, Bộ, ngành, do đó không thể lấy của địa phương này sang địa phương khác mà phải có một kế hoạch rất chi tiết, cụ thể. 

Giải trình về vấn đề nguồn vốn cho dự án hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Phương án 2 hiện nay trong dự án Nghị quyết đó là phương án Chính phủ trình. Phương án 1 là qua ý kiến ĐBQH nên đưa vào dự thảo để nói rằng 15.000 tỷ đồng này bức xúc hơn cả đường cao tốc. Đường cao tốc chúng ta làm chưa xong thì chúng ta cũng phát huy được một số đoạn nhưng đường sắt mà tắc, đường bộ kéo dài thì bức xúc xã hội rất lớn do đó rất mong các đại biểu ủng hộ phương án 2, đó là phương án Chính phủ trình. Cơ chế sử dụng 15.000 tỷ đồng này nếu như Chính phủ sử dụng không đúng mục đích và làm không đúng mục tiêu thì có các đoàn ĐBQH và nhân dân giám sát. Tôi nghĩ để hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt rất mong Quốc hội ủng hộ phương án 2”.