Giáp ranh... trách nhiệm

ANTĐ - Tuyến đường mới mở Xuân La - Hoàng Quốc Việt nằm trên vành đai 2 của Thủ đô được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mới thông xe đã trở thành bãi rác lộ thiên nhếch nhác ngay trước mặt một số cơ quan quản lý Nhà nước.

Đây là một trong những tuyến đường được người dân mong đợi từ lâu với hy vọng sẽ góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn xe cộ vào giờ cao điểm. Đường vành đai 2 trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội đang trong quá trình khép kín.

Vì thế, việc bỏ hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo thành mạng lưới huyết mạch giao thông ngày càng trở nên cấp bách. Mở thêm một tuyến đường, bắc thêm một cây cầu mới, giao thông Hà Nội sẽ đỡ bức bí, thông thoáng, tiện lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù chưa cắt băng khánh thành, song trong mắt người dân, đây là một con đường thuộc loại đẹp, rộng rãi, thoáng đãng. Tiếc thay, đường mới được đưa vào sử dụng vài đoạn đã được tận dụng làm chỗ đổ rác thải sinh hoạt, tệ hại hơn còn là nơi nhiều đối tượng lén lút đổ phế thải xây dựng.

Thói quen xấu tiện tay ném rác ra đường của một số người dân “văn hóa cùn” ở đâu cũng có. Tâm lý đám đông vô ý thức lại có sức lây lan, truyền nhiễm rất nhanh. Một người “mắt trước, mắt sau” không thấy ai liền ném rác. Chẳng mấy chốc những người khác cũng làm theo. Cứ thế, rác, phế thải xây dựng chất thành đống mà không ai bị nhắc nhở hay xử phạt.

Tuy nhiên, những “núi” phế thải không thể “tự nhiên” xuất hiện một cách âm thầm, lặng lẽ. Phải có những chuyến xe tải, xe thồ chở đầy phế thải hoạt động liên tục vào ban đêm mới có thể biến lề đường thành bãi rác ngồn ngộn như thế. Điều lạ lùng đến mức khó hiểu là, rác thải, phế thải “tích tiểu thành đại” ngay trước mặt một số ban, ngành, cơ quan mà dường như không ai... nhìn thấy.

Hay là có trông thấy, nhận thấy mùi ô nhiễm, nhưng ngoảnh mặt đi? Giả thử, một đống rác lù lù ngay trước cửa nhà riêng của một ai đó, chắc chắn phải tìm cách bắt quả tang thủ phạm. Vấn đề ở đây chính là, những đống phế thải có thể tồn tại lâu đến mức gây bức xúc người dân ở khu vực này là vì đây là địa bàn giáp ranh. Vì thế, vô hình trung phế thải trở thành... của chung không thuộc ai quản lý.

Tình trạng giáp ranh trách nhiệm đã từng để lại những hệ lụy đáng lo ngại trong công tác giữ gìn trật tự văn minh đô thị, nhất là ở những tuyến đường kéo dài qua nhiều địa bàn như vành đai 2. Nói một cách nghiêm khắc, giáp ranh trách nhiệm đồng nghĩa với đùn đẩy trách nhiệm và cũng chính là vô trách nhiệm. Nếu những đống rác, phế thải xây dựng có thể “đùn đẩy” sang địa bàn khác thì những người quản lý tắc trách chẳng ngại gì mà không làm cho “sạch” địa bàn của mình.