Giáp mặt “thần y” chữa bệnh bằng sờ và… hát

ANTĐ - Chỉ cần được chạm tay vào người không quá 5 giây cộng thêm lắng nghe những bài hát của “cô” là bách bệnh sẽ tiêu tán trong nháy mắt. Lời đồn về cách chữa bệnh kỳ lạ này của bà Phan Thị Tranh (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) khiến người dân tứ xứ đổ về thôn Viên Du đông tới hàng nghìn. Một chuyên gia Đông y của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nghe chuyện mắt tròn mắt dẹt: “Nếu vậy các nhà khoa học trên thế giới phải trao cho cô ấy một giải Nobel”.

Người bệnh hy vọng “thần y” cứu giúp?!

Diện kiến “siêu nhân”

Thực ra đối với người dân xã Thanh Vân, việc “cô Tranh” hành nghề chữa bệnh bằng năng lực siêu nhiên không hề mới lạ. Thậm chí bây giờ tiếng tăm của cô đã loang ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Người ta biết tiếng cô nhiều đến nỗi, có cả những bệnh nhân từ  TP.HCM cũng cất công đi máy bay  ra tận đây. Phần lớn trong số đó là những người bệnh nặng, có người bước đi không nổi phải có thêm vài ba người đi theo. Có người bị ung thư đang xạ trị rụng gần hết tóc. Cả những cụ già đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng con cháu vì muốn báo hiếu, mong các cụ sống thêm vài năm nữa cũng cơm đùm cơm nắm thuê xe mãi tận mạn ngược dắt díu tìm về. Tất cả đều khấp khởi và tràn đầy hy vọng, bởi tất cả những gì họ nghe được về khả năng kỳ lạ của cô là quá thần kỳ, quá siêu việt tới mức các giáo sư, bác sỹ đại tài ở các bệnh viện cấp Trung ương cũng không thể làm nổi.

Những lời ca ngợi về cô Tranh từ miệng người bệnh khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Và cũng chẳng hề khó khăn để tìm nhà cô bởi tất cả những người dân được chúng tôi hỏi đường đều sẵn sàng chỉ lối với “nụ cười bí hiểm” thường trực trên môi: “Đấy cứ rẽ theo lối đấy là đến. “Cô” chữa giỏi lắm, bệnh gì cũng chữa được. Cứ vào khắc biết…”. Khác xa với sự tưởng tượng của chúng tôi về một cơ sở Đông y lúc nào cũng sực nức mùi thuốc Bắc, nhà cô Tranh khá đơn giản. Ngoài một căn nhà 3 tầng khá mới chỉ dùng để ở thì nằm sát vách bên cạnh là một căn nhà cấp 4 – nơi cô Tranh dùng để hành nghề. Có mặt từ 7h sáng chúng tôi cứ ngỡ mình đến sớm nhất nhưng hóa ra lại không thể tìm cách len chân vào trong bởi lúc này khuôn viên nhà cô đã đông nghịt người. Xe máy đủ loại biển số xếp chật ngoài đường, còn ô tô thì đầy sân bóng của thôn. Theo một “hướng dẫn viên” của cô Tranh thì: “Mọi người cứ ghi tên xếp hàng, cô chữa nhanh lắm, chỉ vài giây là xong một người thôi. Bệnh gì cũng khỏi, thần kỳ lắm”.

Quy trình chữa bệnh của cô Tranh quả là “thần kỳ” thật. Nó được tiến hành như sau: Khi đã ghi tên xếp số, tất cả bệnh nhân sẽ được tập trung kê ghế ngồi kín cả sân. Kế đó cô Tranh sẽ xuất hiện và bắt đầu cất tiếng hát. Tùy theo “năng lượng tích tụ trong người” mà cô hát nhiều hay ít. Những tiếng hát của cô có năng lượng sẽ hấp thụ vào người bệnh nhân và đẩy hết mọi căn bệnh ra ngoài. Khi cô hát, tất cả đều phải tập trung nghĩ đến cô. Và cơ bản nhất là người bệnh phải tuyệt đối tin tưởng bởi nếu không tin cô thì sẽ… không thể khỏi bệnh được. Khi hát xong, cô sẽ lấy tập phiếu ghi tên bệnh nhân và gọi theo thứ tự từng đợt, mỗi đợt từ 30-40 người vào phát thuốc. Khi phát đến ai, cô sẽ chạm tay vào người đó để truyền “tần sóng”. Thuốc là những khúc cây khô đã được chặt nhỏ gói trong túi nilon và bệnh nào thì bệnh, tất cả đều dùng chung một loại. Người bệnh mang thuốc đó về sao vàng, hạ thổ rồi sắc uống. Khi uống cứ nghĩ đến cô 2 phút là sẽ hết bệnh. Cô Tranh không lấy tiền, nhưng ai bỏ tiền lại thì tùy tâm, cô không chê. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, người “tùy tâm” ít nhất cũng 100 nghìn đồng.

Chưa gây hậu quả (?!)

Thông thường, mỗi ngày có khoảng từ   800-1.000 người tìm đến cô Tranh để chạy chữa. Tuy nhiên, theo người đàn ông được cô Tranh cho phép vào trong khuôn viên nhà cô để bán nước, thuốc, bánh, kẹo thì con số này có thể còn cao hơn. “Cô Tranh là người đặc biệt, các anh nghĩ gì cô có thể đọc ra hết, thậm chí có bệnh cũng chẳng cần khai. Cô cũng chẳng cần bắt mạch hay xem y bạ, chỉ cần nhìn qua là biết ngay các anh mắc bệnh gì. Thế nên đừng nghĩ đến chuyện thử cô, cô tỏ tường hết đấy” – anh này nói.

Có một điều đặc biệt mà những người giúp việc cho cô Tranh thường xuyên cảnh báo chúng tôi, đó là: “Hỏi ít thôi không cô mệt. Tốt nhất là đừng hỏi. Hàng ngày trả lời cả trăm con người thì cô không còn sức để truyền tần sóng nữa”. Sau mỗi đợt phát “tần sóng” để cứu người thì cô Tranh lại phải lên núi để tích tụ lại năng lượng. Tuy nhiên hỏi cô lên núi nào thì tất cả đều lấp lửng, gặng mãi họ cũng chỉ hé lộ: “Cứ núi nào có năng lượng là cô đi. Có lần núi gần không còn năng lượng, cô phải lên tít tận mấy ngọn núi gần Trung Quốc”. Cũng theo những người giúp việc này thì dù bệnh nhân có đông đến mấy, cô Tranh cũng sẽ chữa hết trong một buổi sáng. Còn buổi chiều cô nghỉ để đi lên núi nhằm “nạp tần sóng” sang ngày mai tiếp tục “cứu nhân độ thế”. Nấn ná ngồi đến quá trưa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến nhiều bệnh nhân tỉnh xa vẫn đổ về. Tuy nhiên, có lẽ lúc này đã quá mệt nên cô Tranh phó thác số bệnh nhân này cho những người giúp việc giải quyết. Họ mau chóng được những người này “giải tỏa” bằng cách đưa đến các khu thuê trọ của người làng hoặc các xã lân cận.

Trước cách chữa bệnh có phần “kỳ quặc” này, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Duy Tiến, Phó chủ tịch xã Thanh Vân và được ông Tiến cho biết: “Bà Tranh vốn là người địa phương, sinh năm 1963, trình độ văn hóa chỉ hết lớp 7. Với tôi gia đình bà ấy còn có quan hệ họ hàng khá gần. Thậm chí ngày xưa, tôi còn học cùng với bà ấy, nhưng tôi khẳng định bà Tranh chẳng có chuyên môn gì về ngành y cả. Về Đông Nam dược lại càng không. Trước đây cả nhà bà Tranh chỉ sống bằng nghề nông, gia cảnh cũng khá khó khăn. Riêng việc chữa bệnh như thế này thì bà ấy đã làm độ 15 năm nay, ít nhiều cũng có người đến chữa. Hiệu quả thế nào thì tôi không biết, nhưng dân ở đây chẳng ai có bệnh mà tìm đến bà ấy cả. Việc người bệnh tìm đến bà ấy tăng vọt lên cũng chỉ độ 3 năm nay. Nhất là từ khi bà ấy xuống “Trung tâm tiềm năng con người” nào đó dưới Hà Nội và tổ chức hội thảo. Cũng chẳng rõ có hội thảo, quảng cáo hay được nhà khoa học nào công nhận hay không, chỉ biết sau đó dân tình ở đâu đổ xô về nhờ chữa bệnh. Thôi thì đủ cả, các anh cứ nhìn biển số xe thì biết, chẳng có mấy xe biển số tỉnh Vĩnh Phúc, toàn ở tận đâu đâu…”.

Trước một loạt câu hỏi như: Liệu UBND xã có biết việc hành nghề chữa bệnh của bà Tranh là không phép? Việc cho người bệnh uống thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ, thậm chí tử vong? Việc tụ tập đông bệnh nhân nặng có thể gây bất ổn về ANTT trên địa bàn? Ông Tiến thanh minh: “Chúng tôi nắm rất sát tình hình về bệnh nhân về đây tạm trú. Nhiều năm nay, bà Tranh cũng chưa gây hậu quả gì. Còn việc bà Tranh chữa bệnh cũng khó xử lý vì bà ấy không thu tiền. Ai đưa là tự nguyện chứ bà ấy không đòi hỏi, ép buộc. Còn việc kiểm tra hành nghề là của bên y tế. Thực ra việc này trên tỉnh, trên huyện biết cả. 2 năm trước Sở Y tế và huyện cũng đã về đây kiểm tra rồi, nhưng sau đó cũng chẳng thấy có vấn đề gì cả”. 

Chưa bàn về tính hiệu quả của việc “sờ tay và hát” để chữa bệnh, cũng chưa biết giá trị bịch thuốc mà khi bốc thì cả “trăm người như một” của bà Tranh, nhưng chỉ cần làm một phép toán, trung bình bà Tranh chữa bệnh cho 500 người/ngày, mỗi người chỉ cần “tùy tâm” 50 nghìn đồng thì bà Tranh cũng bỏ túi 25 triệu đồng/ngày. Với con số tối thiểu này thì có lẽ cũng dễ hiểu vì sao mà bà Tranh ngày nào cũng… hát.