Giao vốn, giải ngân chậm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án lớn

ANTD.VN -Chiều 22-10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019…

Qua báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát tại một số địa phương, Ủy ban TCNS nhận thấy  kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước cả năm vượt 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Về chi NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng, chi NSNN đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết. Tuy nhiên, vấn còn một số vấn đề tồn tại như việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao.

Bên cạnh đó, việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn. Việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự. Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định. Việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa có chuyển biến mạnh.

Quang cảnh phiên họp

Trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục, tình trạng giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra. Độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm. Có những dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng NSNN, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt lại bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí vốn.

Về nội dung điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN năm 2018, thực tế điều hành NSNN năm 2018, có phát sinh một số dự án sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài chưa được giao dự toán. Chính phủ đã có Tờ trình về từng nội dung, báo cáo và được UBTVQH chấp thuận về mặt nguyên tắc, cho phép giải ngân theo cam kết với các nhà tài trợ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2018 tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự toán thu NSNN 2019, qua xem xét báo cáo của Chính phủ, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà và 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Viettel vào Ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, Uỷ ban TCNS nhận thấy, việc Chính phủ xây dựng dự toán thu nội địa là khá tích cực, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 Về thu từ dầu thô, sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm.  Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể, thực chất, rõ ràng để giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn đi vào kinh doanh, nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của PVN cho NSNN.

 Với nợ công, Ủy ban TCNS nhận thấy, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50%GDP). Điều này cho thấy, mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Từ kết quả thu nội địa các năm gần đây, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, cơ cấu thu của NSTW còn thấp để có giải pháp phù hợp thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, xây dựng dự toán sát thực tế, tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu NSNN.