Giáo viên không giỏi, đổi mới giáo dục phổ thông sẽ thất bại

ANTD.VN - Nhiều bài học về đổi mới giáo dục không thành công trước đây khiến nhiều người lo ngại về tính khả thi của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố. 

Đổi mới giáo dục phổ thông chỉ thành công nếu đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu

Sau 4 ngày Bộ GD-ĐT công bố lấy ý kiến xã hội về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể, nhiều người đặt vấn đề về thực trạng giáo viên hiện nay làm sao có thể thực hiện được chương trình, sách giáo khoa mới với “tham vọng” xây dựng một thế hệ công dân tương lai với chân dung 6 phẩm chất, 10 năng lực vừa được vạch ra.

Đổi mới phải bắt đầu từ người thầy 

“Thay đổi chương trình, sách giáo khoa trên diện rộng có nên hay không trong khi bài toán thực tế là nhiều giáo viên hiện nay vừa yếu kiến thức lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp?” - bà Phạm Thu Hương, phụ huynh trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội đặt vấn đề. “Chúng ta đã nóng vội, duy ý chí và thất bại nhiều rồi. Đừng để tiếp diễn tình trạng như vậy trong đổi mới giáo dục phổ thông lần này. Điều mà chúng tôi lo ngại là Bộ GD-ĐT mới cho thấy dự kiến cải cách nội dung chương trình học, còn đối tượng rất quan trọng nhất để cải cách được thành công là giáo viên, lại không thấy có trong đề án này? Phần lớn đội ngũ giáo viên hiện nay có năng lực rất yếu do khâu đào tạo của các trường sư phạm với đầu vào quá thấp, không được tuyển chọn kỹ và có đánh giá phù hợp hay không về phẩm chất nghề nghiệp đặc thù” - một giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội khẳng định, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên với tinh thần sáng tạo, liên tục đổi mới. Tuy nhiên, muốn có một đội ngũ giáo viên như vậy cần rất nhiều điều kiện, cơ chế chính sách để họ phát huy hết năng lực của mình.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT công lập ở Hà Nội bộc bạch: “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy nhưng nhiều giáo viên đứng tuổi, có thâm niên trong nghề rất ngại đổi mới, ngại đi tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ dạy học mới”. 

Lo ngại thực trạng giáo viên

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, người thầy là gốc trong đổi mới giáo dục vì có chương trình tốt, cơ sở vật chất tốt mà giáo viên không giỏi thì không đảm bảo được chất lượng giáo dục. “Tuy nhiên, cơ chế chính sách với nhà giáo chưa đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu giáo viên được tập trung vào công việc thì chất lượng sẽ tốt. Bằng chứng là mỗi khi có tiết dự giờ hay tiết thi giáo viên giỏi, người thầy phải đầu tư thời gian, tri thức, sáng tạo cho giờ giảng thì chất lượng giờ học sẽ cao. Nếu như trước đây, nhà giáo chỉ tập trung vào việc dạy học thì hiện nay giáo viên phải lo tham gia nhiều công việc để đảm bảo đời sống. Như vậy, họ sẽ nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn là toàn tâm toàn ý cho học sinh” - PGS Nghiêm Đình Vỳ phân tích. 

Cũng theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, tình trạng đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn dẫn tới dư thừa giáo viên, chất lượng kém. “Đang bão hòa về nhu cầu giáo viên. Các trường sư phạm khó tuyển được học sinh yêu nghề, học giỏi. Nhà nước cần có cơ chế đầu tư tốt hơn với ngành sư phạm” - PGS Nghiêm Đình Vỳ đưa ra ý kiến. 

Trong khi khối sư phạm đang gặp không ít khó khăn thì việc đổi mới đào tạo giáo viên để có thể theo kịp chương trình giáo dục phổ thông là chưa rõ nét. “Các trường sư phạm đang triển khai bồi dưỡng giáo viên theo hướng đổi mới nhưng thực tế người làm công tác biên soạn đổi mới chương trình phổ thông mới chỉ là một nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm. Còn sự vào cuộc của các trường sư phạm với vai trò chủ đạo chưa đáng kể. Tôi cho rằng dự thảo chương trình tổng thể, chương trình bộ môn cần được phổ biến cho toàn bộ giảng viên, giáo sinh ngành sư phạm để họ bắt buộc phải nghiên cứu, góp ý, chứ hiện nay vẫn chỉ có một số đối tượng, một nhóm quan tâm biết đến thì đổi mới giáo dục còn chưa sâu, chưa đi vào đời sống” -  PGS Nghiêm Đình Vỳ trao đổi.

Để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu 100% nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng. Tuy nhiên, với trình độ, năng lực thực tiễn của giáo viên Việt Nam đang ở chuẩn thấp, cơ chế chính sách chưa tốt thì việc có thể triển khai tốt chương trình đổi mới giáo dục trong 3 năm tới thực sự không mấy khả quan.