Giao lưu trực tuyến về công tác xét đặc xá
(ANTĐ) - Khách mời là các ông: Nguyễn Văn Pha - ủy viên Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Hội đồng xét đặc xá Trung ương năm 2009; ông Nguyễn Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Đại tá Phạm Quốc Huỳnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý trại giam - Bộ Công an - ủy viên Ban Chỉ đạo đặc xá Bộ Công an. Báo ANTĐ trích lược nội dung cuộc giao lưu trực tuyến này.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, ủy viên Thường trực Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương thăm khu thư viện dành cho phạm nhân tại Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) ngày 5-8-2009. |
Bạn đọc Đức Đạt - Việt Trì - Phú Thọ: Đặc xá là chính sách không chỉ riêng Việt Nam mới có, chính sách đặc xá ở nước ta có sự khác biệt gì so với các nước khác trên thế giới?
Đại tá Phạm Quốc Huỳnh: Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có chế độ quản lý giáo dục phạm nhân riêng tùy thuộc vào chế độ chính trị và điều kiện xã hội của mình. Trên thế giới cũng có nhiều nước có chế độ ân xá cho phạm nhân nhưng ít nước có chính sách đặc xá ưu việt như Việt Nam.
Đặc xá ở các nước mỗi lần được thực hiện với số lượng hạn chế. Nhưng đặc xá ở nước ta mỗi lần có hàng ngàn phạm nhân được tha tù trước thời hạn được trở về với xã hội. Có lần đặc xá lên tới trên 10.000 phạm nhân nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Nhiều phạm nhân được đặc xá trước thời hạn được trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Chính sách đặc xá thể hiện chính sách hình sự nhất quán của Đảng và Nhà nước từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.
Xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật song cũng khoan hồng đối với những phạm nhân thực sự ăn năn hối cải là truyền thống nhân văn của Nhà nước ta từ trước đến nay.
Năm 2007, Cục Quản lý trại giam - Bộ Công an đã đăng cai tổ chức Hội nghị cán bộ quản lý trại giam lần thứ 27 với hàng trăm đại biểu đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới trong đó có cả đại diện của Liên hợp quốc. Họ đã tìm hiểu về chính sách quản lý giam giữ phạm nhân của Việt Nam, đến các trại giam để tham quan thực tế và tỏ ra rất ngạc nhiên về chính sách đặc xá của Việt Nam khi đặc xá nhiều phạm nhân mà tình hình an ninh trật tự xã hội vẫn ổn định. Công tác này của Việt Nam được các đồng nghiệp trong Khu vực châu á Thái Bình Dương đánh giá rất cao.
Bạn đọc Chu Hòa - Gia Tân - Gia Viễn - Ninh Bình: Ông có thể cho biết về việc tiếp cận thông tin của tù nhân trong trại giam hiện nay?
Đại tá Phạm Quốc Huỳnh: Trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, phạm nhân được học tập chính trị, pháp luật, đạo đức, văn hóa, được phổ biến về thời sự chính sách dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng tùy điều kiện từng trại giam. Đây là một điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Nếu phạm nhân vào trại mà chưa biết chữ thì sẽ được tham dự các lớp xóa mù chữ để biết đọc các văn bản pháp luật, sách, báo. Có rất nhiều lớp xóa mù chữ ở các trại, nhất là các trại giam ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, nơi điều kiện học tập khó khăn. Việc xóa mù chữ để tạo cơ sở giáo dục pháp luật tốt hơn cho phạm nhân.
Hàng ngày, phạm nhân được nghe thông tin thời sự qua hệ thống loa truyền thanh của trại, được xem TV, đọc sách báo.
Hàng tháng phạm nhân được quản giáo, giám thị, cán bộ trại giam tổ chức chào cờ. Thuộc quốc ca trong buổi chào cờ là một trong những tiêu chuẩn thi đua, chấp hành hình phạt tù. Hàng tuần, hàng tháng, phạm nhân được nghe phổ biến tình hình thời sự trong nước, quốc tế.
Cục Quản lý trại giam tạo điều kiện cho tất cả các phạm nhân được hưởng các quyền về thông tin, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục phạm nhân.
Bạn đọc Sơn Trường: Trường hợp công dân có khiếu nại, tố cáo liên quan đến đặc xá, những thắc mắc và đơn thư của họ sẽ được gửi đến địa chỉ cụ thể nào?
Đại tá Phạm Quốc Huỳnh: Trường hợp người dân có khiếu nại, tố cáo liên quan đặc xá thì có thể gửi đơn hoặc trực tiếp đến trại giam, trại tạm giam để được trả lời.
Trong trường hợp khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của giám thị trại giam, tạm giam thì trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn là Bộ trưởng Bộ Công an (nếu là trại giam thuộc Bộ Công an), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nếu là trại giam thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại tố cáo về đặc xá còn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Bạn đọc Ngọc Thắng: Hội đồng tư vấn đặc xá có chịu “sức ép” từ các cơ quan khác, từ dư luận bên ngoài không?
Ông Nguyễn Văn Pha: Qua theo dõi và trực tiếp tham gia công tác đặc xá nhiều năm, tôi thấy HĐTVĐX chưa bao giờ bị sức ép từ bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng như với dư luận bên ngoài. Mọi việc được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật.
Bạn đọc Đỗ Công Hưng - Yên Dũng - Bắc Giang: Đến thời điểm này danh sách những phạm nhân được xét đặc xá đã có chưa? Trong đó có bao nhiêu hồ sơ đạt tiêu chuẩn?
Ông Nguyễn Văn Pha: Theo kế hoạch của HĐTVĐX, đến hết ngày 5-8-2009 các tổ thẩm định liên ngành sẽ thẩm định xong hồ sơ đề nghị đặc xá của các trại giam, trại tạm giam và chuyển hồ sơ về cơ quan thường trực của HĐTVĐX là Bộ Công an. Từ ngày 25-7 đến ngày 13-8-2009 cơ quan thường trực HĐTVĐX sẽ tổng hợp hồ sơ, danh sách để chuyển đến các thành viên HĐTVĐX để nghiên cứu, xem xét và có ý kiến. Do vậy đến thời điểm này chưa thể có danh sách các phạm nhân được xét đặc xá.
Ông Nguyễn Văn Pha Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương |
Bạn đọc Tạ Tuấn Anh: Trường hợp phạm nhân không viết đơn ân xá nhưng cải tạo tốt và người nhà có đơn ân xá thì có được xét đặc xá không, thưa ông Nguyễn Văn Pha?
Ông Nguyễn Văn Pha: Theo quy định hiện hành thì hồ sơ đề nghị xét đặc xá phải có đơn xin đặc xá của phạm nhân, đây là điều kiện bắt buộc. Theo tôi nếu một phạm nhân nào đó có đủ các điều kiện để được đặc xá mà người đó không viết đơn xin đặc xá thì cán bộ công an có trách nhiệm nơi giam giữ phạm nhân hoặc người nhà (thông qua con đường thư từ, thăm nuôi) cần động viên, giải thích cho phạm nhân về tính chất nhân đạo của chủ trương này, về quyền lợi của người đủ điều kiện đặc xá cũng như quy định bắt buộc của việc phải có đơn xin đặc xá của phạm nhân để họ hiểu và thực hiện đúng.
Bạn đọc Minh Hải - Nghệ An: Đối với các phạm nhân có hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí chậm nhất là vào thời gian nào họ phải hoàn thành hình phạt trên để được xét đặc xá?
Ông Nguyễn Văn Pha: Theo tôi phải trong thời hạn trước 31-8-2009 là thời hạn để được xét đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước. Tuy nhiên nên càng sớm càng tốt, cụ thể là khi các đoàn liên ngành về thẩm định tại các trại giam, trạm tạm giam thì việc thực hiện các hình phạt bổ sung phải xong.
Bạn đọc Thu Liễu: Có chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu cho phạm nhân được đặc xá không, nhất là những phạm nhân không có thân nhân đến đón?
Đại tá Phạm Quốc Huỳnh: Theo quy định của Nhà nước, người được đặc xá được cấp 1 bộ quần áo thường và cấp tiền tàu xe để trở về gia đình, quê hương. Các trại giam bố trí phương tiện đưa những người được đặc xá ra tận bến xe, bến tàu để họ mua vé trở về nơi cư trú. Những người có gia đình đến đón có thể đến tận cổng trại giam để đón người thân.
lBạn đọc Hoài Hương: Người mãn hạn tù về địa phương có thể vay vốn kinh doanh không? Thủ tục như thế nào?
Ông Nguyễn Như Lâm: Người mãn hạn tù sau khi trở về gia đình, địa phương được quyền vay vốn để kinh doanh, sản xuất.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm, ưu tiên người không có việc làm, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thông qua sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để tạo điều kiện cho họ vay vốn.
Các thủ tục vay vốn đều rất đơn giản, thực hiện theo đúng thủ tục quy định của ngân hàng.
Ngoài ra, những người mãn hạn tù nếu chưa đủ điều kiện thì địa phương, chính quyền tạo điều kiện cho họ như làm thủ tục bảo lãnh giúp họ tham gia sản xuất, hòa nhập cộng đồng.
Bạn đọc Dương Linh: Hàng xóm nhà cháu là 1 bà cụ có con đi cải tạo xa có nhờ hỏi về nạn “đầu gấu” trong trại giam, hiện tượng này có không và đã được xử lý ra sao?
Đại tá Phạm Quốc Huỳnh: Về vấn đề “đầu gấu” trong trại giam, tôi khẳng định hiện tượng “anh chị”, “đầu gấu” đã không xảy ra trong nhiều năm nay. Hiện tượng đó chắc chỉ có trong tiểu thuyết, phim hình sự chứ trong thực tế gần như đã được phòng ngừa, ngăn chặn. Ngoài ra, cùng với các biện pháp giáo dục chung thì các trại giam đều có các biện pháp giáo dục cá biệt, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế, nội quy trại giam, đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ để phạm nhân tích cực giúp đỡ nhau.
Bên cạnh đó, trại giam còn có Ban tự quản do chính các phạm nhân bầu lên để giải quyết những mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày giữa các phạm nhân.
Bạn đọc Lam Chi: Nếu người mãn hạn tù muốn chuyển chỗ ở và có nhu cầu giữ bí mật về quãng thời gian đi tù thì chính quyền địa phương có thể đảm bảo việc này không?
Ông Nguyễn Như Lâm: Đối với người mãn hạn tù muốn chuyển chỗ ở, có nhu cầu giữ bí mật quãng thời gian đi tù, chính quyền địa phương có thể đảm bảo.
Nếu chuyển chỗ ở, xét thấy hợp lý, địa phương nơi chuyển cần giữ mối quan hệ với địa phương đến về vấn đề thông báo quãng thời gian bị tù để 2 địa phương cùng quản lý. Những việc này thường không thông báo cho người mãn hạn tù biết. Giữa 2 địa phương cùng thống nhất việc quản lý những người này.
Trong thời gian những người mãn hạn tù có nhu cầu di chuyển như đi xây dựng vùng kinh tế mới, đi làm ăn xa trong thời gian ngắn hạn thì phải làm đơn trình báo cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đi, nơi đến biết.
Thư Kỳ
Theo cổng TTĐT Chính phủ