Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát"

ANTD.VN - Đúng 10h sáng nay, Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Sở Y tế Hà Nội – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về “Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát“.

Thời tiết mùa Đông Xuân, nhiều dịch bệnh như sởi, thủy đậu, rubella dễ gia tăng

Khách mời tham dự chương trình và trực tiếp trả lời câu hỏi của bạn đọc gồm:

BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

ThS Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Cùng dự còn có:

Ths.BS Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 6

TS Bùi Thị Nga, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

BSCK1 Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Lão – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

 

Ông Chu Quốc Dũng, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ tặng hoa các khách mời

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thời điểm này, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh về số mắc nhưng vẫn ghi nhận rải rác ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp nếu chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, những dịch bệnh như sởi, thủy đậu, rubella, tay chân miệng… cũng có xu hướng gia tăng trong giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân.

Đặc biệt, mấy ngày vừa qua và dự báo trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ tiếp tục trải qua nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, nhất là người cao tuổi.

Thực tế, trong những ngày giá rét vừa qua, tại các bệnh viện ở Hà Nội, lượng bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp tăng mạnh 10-20%, thậm chí có trường hợp tai biến nặng, tử vong do không được đưa đến viện kịp thời.

Trong thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi (từ 10h đến 11h30) sáng nay, các vị khách mời sẽ thông tin đầy đủ đến bạn đọc về diễn biến dịch bệnh, các nguy cơ tiềm ẩn làm bùng phát dịch và cách phòng tránh, xử trí khi mắc phải các bệnh thường gặp trong mùa Đông – Xuân hiện nay, cũng như trả lời trực tiếp các câu hỏi của bạn đọc liên quan đến những nội dung này…

Kính mời bạn đọc cùng theo dõi và tham gia đặt câu hỏi trực tiếp tới các vị khách mời trên www.anninhthudo.vn

Danh sách khách mời

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất

Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất

TS Bùi Thị Nga, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

TS Bùi Thị Nga, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

BSCK1 Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Lão – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

BSCK1 Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng khoa Lão – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Bo Xuân Tuấn hỏi:
Trong những năm qua có một số loại dịch bệnh quay lại, như bệnh bạch hầu. Chúng tôi nên làm gì để phòng chống những bệnh dịch này?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Bạch hầu là bệnh đã có vaccine phòng và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 35 năm nay. Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Để phòng chống bệnh bạch hầu người dân cần chủ động thực hiện những điều sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu ComBE five, DPT, Td đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm nhắc lại cho trẻ lớn hoặc người lớn bằng các vaccine có thành phần bạch hầu như: Tetraxim hay Adacel tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể mũi họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu: sốt cao, ho, khó thở, có giả mạc trắng vùng họng thì đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

- Người dân trong khu vực có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống dự phòng theo yêu cầu của cơ quan y tế địa phương. 

Lê Linh Thanh hỏi:
Các trường học dễ là nơi phát sinh ổ bệnh như sốt xuất huyết, cúm, sốt virus trong thời tiết mưa lạnh, tại Thạch Thất, trung tâm y tế có thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các trường phòng chống dịch bệnh thời điểm này?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 15

Hàng năm, Trung tâm y tế huyện đều tổ chức phát động vệ sinh môi trường trong các trường học

Hàng năm, Trung tâm y tế huyện phối hợp với Phòng giáo dục huyện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh học đường. Hàng tháng, tổ chức giao ban với mạng lưới y tế học đường trên địa bàn, để thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học.

Tổ chức triển khai khám sức khỏe cho học sinh toàn bộ 89 trường phổ thông các cấp trên địa bàn.

Trong các đợt cao điểm về dịch bệnh tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát và tiến hành khử khuẩn, vệ sinh môi trường cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học. 

Lê Thị Đào hỏi:
Xin bác sĩ chỉ cho cách làm thế nào để phân biệt được sốt xuất huyết với các bệnh khác như sốt phát ban, tay chân miệng?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virut Dengue gây nên. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt.

Các triệu chứng của bệnh như: sốt cao đột ngột, đau mỏi người, đau mỏi cơ khớp, đau đầu kèm theo bệnh có thể có các biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau như nổi các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết, nặng hơn có thể biểu hiện xuất huyết nội tạng. 

Xét nghiệm bệnh nhân có thể biểu hiện bởi cô đặc máu, tiểu cầu giảm. Những trường hợp nặng có thể tụt huyết áp, xuất huyết nặng, suy tạng có thể dẫn đến tử vong.

Để phân biệt giữa sốt xuất huyết Dengue với các bệnh như sốt phát ban hoặc tay chân miệng bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm khẳng định.

Đào Văn Trào hỏi:
Trong giai đoạn giao mùa nhiều bệnh truyền nhiễm hiện nay, cha mẹ cần chú ý những vấn đề gì về dinh dưỡng cho trẻ?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 16

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ để phát hiện sớm bệnh tật

Để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh dịch trong giai đoạn giao mùa cần:

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng như: cốc, thìa.

- Nên ăn thức ăn nóng, ấm, không nên ăn thức ăn lạnh vừa lấy trong tủ lạnh ra vì sử dụng thức ăn lạnh dễ mắc các bệnh đường hô hấp như: viêm họng, viêm phế quản. Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C như: cam, quýt...

- Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm: tinh bột, đạm động vật, chất béo, trái cây, đặc biệt trái cây sẫm màu (đỏ, vàng). Cần bổ sung nước thường xuyên. 

Xuân susô hỏi:
Bệnh thủy đậu có cách gì để nhận biết sớm và phòng bệnh?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Triệu chứng của bệnh gồm các biểu hiện như sốt, nổi ban và các phỏng nước trên da, kích thước của phỏng nước thường từ 1-5mm. Phỏng nước có thể mọc ở bụng, ngực, tay, chân có thể trên da đầu, chân tóc; phỏng nước thường dễ vỡ, tại một vùng da có thể xuất hiện nhiều phỏng nước với những kích thước khác nhau.

Bệnh thường diễn biến trong vòng 7-10 ngày. Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng nâng cao thể trạng.

Các trường hợp mắc thủy đậu có diễn biến nặng khi có những biến chứng như viêm não màng não, bội nhiễm các vi khuẩn khác có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Để phòng tránh bệnh đặc hiệu có thể đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu. Khi có người mắc bệnh thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Vũ, nghỉ hưu, HN hỏi:
Kính thưa bác sỹ Hiền, BV Đống Đa là bệnh viện phòng chống bệnh truyền nhiễm hàng đầu của HN, những đợt dịch trước, người bệnh vào khám rất đông và chúng tôi rất lo lây nhiễm chéo, đã bị bệnh này còn thêm bệnh khác, xin hỏi BV Đống Đa có giải pháp gì để ngăn chặn việc này?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Bệnh viện đa khoa Đống Đa là bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội. Hằng năm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP cũng như các cơ sở Y tế khác chuyển đến. Ngoài nhiệm vụ thu dung và điều trị tốt cho các bệnh nhân, bệnh viện luôn chú trọng công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, phòng tránh lây chéo giữa các bệnh nhân, giữa người bệnh và cán bộ y tế.

Những người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm đều được bố trí trong những khu vực riêng, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao. Bệnh viện luôn bố trí đầy đủ các trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc cho người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, hướng dẫn người bệnh thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân nhằm tránh phát tán mầm bệnh, phòng tránh lây chéo giữa bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng.

Nguyễn Đức Bình, 35 tuổi, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất hỏi:
Trời lạnh như thế này trẻ em dễ bị tiêu chảy, nhất là ở vùng nông thôn như Thạch Thất, nhiều nơi điều kiện vệ sinh chưa tốt. Xin ông cho biết những biện pháp phòng, tránh bệnh. Khi trẻ bị tiêu chảy có thể khám, điều trị tại trạm y tế xã được không hay cần đến đâu?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 17

Nên cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ, theo lịch để phòng bệnh cho trẻ

Để, phòng tránh bệnh tiêu chảy cho trẻ em cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn chín uống sôi, đảm bảo giữ sạch đồ chơi, quần áo, đảm bảo vệ sinh cơ sở trông giữ trẻ.

Ngoài ra, có thể đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch; nếu có điều kiện, người dân nên có trẻ uống vaccine phòng rota virus. 

Khi gia đình có trường hợp trẻ mắc bệnh tiêu chảy nên thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để tiến hành các biện pháp xử trí, điều trị kịp thời, và tiến hành các biện pháp phòng lây nhiễm khác để tránh lây lan ra cộng đồng dân cư.

Đỗ Công Anh hỏi:
Có vắc xin ngừa sởi, tay chân miệng, SXH cho người lớn không bác sĩ? Mẹ tôi 60 tuổi, hay bị sổ mũi, ho mỗi khi trở trời, tôi cần tiêm phòng gì cho bà? 
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 18

Hiện tại, chỉ có vaccine phòng bệnh sởi, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại Việt Nam. 

Với trường hợp bạn hỏi, mẹ bạn đã cao tuổi nên phải giữ ấm khi thay đổi thời tiết. Bên cạnh đó, cần tiêm vaccine phòng bệnh cúm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội. 

Vi Thị Thu Thảo hỏi:
Thỉnh thoảng, tôi thấy đau nhói ở ngực trái, nhiều người nói do đau liên sườn, người thì nói chắc đau tim. Theo bác sĩ, tôi nên làm sao? Nếu đau liên sườn gì đó, có phải điều trị?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Khi bị đau nhói ở ngực trái bạn nên đến các cơ sở y tế để bác sỹ có chẩn đoán xác định, có hướng điều trị phù hợp với người bệnh. 

Trên thực tế đau ngực, đau nhói là dấu hiệu của một số bệnh như: đau thần kinh liên sườn, viêm khớp ức sườn, cơn đau thắt ngực ổn định (suy vành), bệnh lý dạ dày trào ngược, viêm phế quản...

Tuy nhiên, có thể dựa vào tính chất, mức độ đau, hoàn cảnh xuất hiện và các bệnh lý, yếu tố nguy cơ kèm theo của bệnh nhân mà có thể định hướng đến những bệnh lý khác nhau ví dụ như đau thần kinh liên sườn có thể đau liên tục hoặc thành cơn nhưng sẽ tăng lên khi cử động hoặc ấn vào khoang liên sườn.

Bệnh lý mạch vành: cơn đau xuất hiện thành cơn, thường cơn đau sau xương ức, có thể lan lên cổ, vai, trên cánh tay, cơn đau tăng lên khi gắng sức và thời tiết thay đổi, khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc dãn mạch vành thì cơn đau sẽ giảm hoặc hết. Ngoài ra cơn đau mạch vành thường xuất hiện trên bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo như tim mạch, tiểu đường, xơ vữa mạch...

Nguyễn Thị Hiến, 36 tuổi, xã Phú Bình, huyện Thạch Thất hỏi:
Tôi đang sinh sống ở huyện Thạch Thất, có nghe loáng thoáng qua đài truyền thanh về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn nhưng chưa nắm rõ. Vậy xin ông cho biết tình hình dịch – bệnh vào thời điểm này trên địa bàn đang diễn biến ra sao? Có bệnh truyền nhiễm nào đáng lưu ý không? Địa bàn nào cần lưu ý đặc biệt về dịch bệnh.
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 19

Hiện tại đến thời điểm này, trên địa bàn Thạch Thất chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh truyền nhiễm được báo cáo. Tuy nhiên, trong thời gian tới, do thời tiết đang diễn biến không thuận lợi cho sức khỏe của người dân, nên người dân cần chủ động phòng một số bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân. 

Một số khu vực cần lưu ý như các xã làng nghề, khu vực các xã miền núi... cần tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2019. 

Đỗ Mạnh Quân hỏi:
Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất có tổ chức khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi trong dịp trước tết Âm lịch hay không khi nhiều người già mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, hô hấp?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Việc khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Thạch Thất đã và đang được tiến hành tại các xã, thị trấn theo lịch khám. Ngoài ra, có thể chủ động cho người già đến các phòng khám, trạm y tế để được khám và điều trị thường xuyên các bệnh.

Nguyễn Thị Thơm hỏi:
Nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan tôi chia sẻ nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi thì có thể gọi điện đến dịch vụ lấy mẫu máu xét nghiệm tại nhà có thể cho kết quả rất nhanh chóng, biện pháp này có yên tâm hay không?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Các dịch vụ xét nghiệm tại nhà được cung cấp bởi một số cơ y tế hiện nay cũng đã mang lại một số tiện ích cho người bệnh khi có nhu cầu kiểm tra sức khỏe. Đối với các cơ sở y tế có uy tín, các quy trình trong lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển và tiến hành các xét nghiệm đảm bảo các kết quả có độ tin cậy cao.

Tuy nhiên, đối với các bệnh truyền nhiễm các kết quả xét nghiệm chỉ góp phần hỗ trợ trong chẩn đoán xác định bệnh nhưng không xác định được mức độ nguy hiểm của người bệnh. Để đánh giá, mức độ, giai đoạn của bệnh cần phải có sự thăm khám của bác sĩ để quyết định phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao, việc phát hiện cần phải thực hiện đồng hành với việc cách ly để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Do vậy, khi nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để xác định mức độ bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp cũng như tuân thủ thực hiện cách ly để phòng chống lây lan cho người thân và cộng đồng.

Bùi Bình Bích hỏi:
Năm ngoái, gia đình tôi bị sốt xuất huyết cả nhà, vì thế bước vào mùa mưa năm nay nhà tôi rất lo lắng nên có thuê người về phun thuốc muỗi trong nhà nhưng xung quanh nhà tôi còn nhiều khu đất trống, công trình xây dang dở nên chỉ được vài hôm muỗi lại về. Tôi có hỏi trên trạm y tế phường, người ta nói khi nào có dịch mới phun miễn phí. Việc quận, phường chỉ phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết khi có dịch là đúng hay sai?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 20

Cần kết hợp diệt bọ gậy và phun hóa chất để chống dịch sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao nhất

Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, người dân và cộng đồng cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, xử lý dụng cụ chứa nước để loại trừ ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành mà không diệt được bọ gậy đang sống trong nước. Trung bình 7-10 ngày bọ gậy sẽ nở thành muỗi. Vì vậy, biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất. 

Khi có nguy cơ bùng phát dịch, ngành y tế sẽ tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao như: khu thuê trọ, công trường xây dựng, bãi đất trống, đình, đền chùa. Nhưng trước khi phun hóa chất diệt muỗi cần làm vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, diệt bọ gậy thì mới đạt hiệu quả cao. 

Lý A Thao hỏi:
Tôi đăng ký thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, nếu tôi muốn đến Bệnh viện Đống Đa để điều trị tại khoa lão thì có thể xin chuyển BHYT đúng tuyến lên được không?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Bạn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh trì (tương đương tuyến huyện). Khi mắc bệnh, bạn sẽ đến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để được khám và điều trị các bệnh trong phân tuyến chuyên môn mà Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì có thể điều trị được.

Đối với các bệnh quá khả năng điều trị của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, người bệnh sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn. Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện đa khoa tuyến TP, năm 2018 được Sở Y tế Hà Nội giao thêm nhiệm vụ thực hiện chăm sóc và điều trị bệnh cho người cao tuổi trên địa bàn TP. Vậy, đối với những bệnh của người cao tuổi mà Trung tâm Y tế huyện Thanh trì không điều trị được thì người bệnh có thể được chuyển tuyến lên bệnh viện Đống Đa để tiếp tục điều trị và người bệnh được hưởng nguyên quyền lợi của người tham gia BHYT.

Hoàng Thị Tính hỏi:
Xin ông cho biết diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội vào thời điểm này, so sánh với năm 2017 thì diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay có điểm gì đáng chú ý?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 21

BSCK II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời bạn đọc  Báo ANTĐ

Cả năm 2018, Hà Nội ghi nhận hơn 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm nhiều so với năm 2017. Đặc biệt trong những tuần gần đây, số mắc giảm nhiều. Tuy nhiên, tại các khu vực nội thành, nhất là ở những nơi có khu thuê trọ do đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, làm cho mật độ muỗi truyền bệnh tăng cao. Vì vậy, vẫn có thể ghi nhận những trường hợp bị mắc sốt xuất huyết. 

Đoàn Lê Vỹ hỏi:
Xin ông cho biết bệnh tay chân miệng trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có đáng lo không. Con tôi đang học mầm non, trời lạnh như thế này có nên cho cháu nghỉ để tránh bị bệnh không?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Tình hình mắc bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn huyện Thạch Thất những năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng trên dưới 100 ca ở 23 xã, thị trấn. Các trường hợp bệnh đều được cơ quan y tế khoanh vùng xử trí kịp thời, không để bùng phát thành các ổ dịch trung bình mà chỉ là các ca bệnh tản phát. 

Hiện tại tình hình dịch tay, chân, miệng trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt. Do vậy, bạn nên cho con đi học bình thường, nhưng phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng...

Trần Tuyết Minh hỏi:
Nếu bị sốt xuất huyết thì hiện nay, người dân ở Hà Nội nên vào điều trị tại các cơ sở y tế nào. Công tác phân luồng, cách ly, xử lý điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện của thành phố được chỉ đạo ra sao?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 22

Tất cả các trường hợp khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến ngay trạm y tế xã, phường để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. 

Những trường hợp nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại trạm y tế hoặc tại nhà, trừ những trường hợp nặng mới phải điều trị tại bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện Đống Đa là bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm của TP Hà Nội. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều có khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Tùy từng tình trạng bệnh mà cán bộ y tế sẽ phân loại và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Đặng Dung, 43 hỏi:
Tôi xin hỏi Bác sỹ Hoàng Thế Hùng, ở những vùng nông thôn như Thạch Thất nói chung, mùa đông xuân thường xảy ra những dịch bệnh gì nguy hiểm cho trẻ em? Ngoài ra, thì đối tượng nào cũng có khả năng cao bị nhiễm bệnh?
Xin hỏi thêm, phòng bệnh ở vùng nông thôn như Thạch Thất có khó khăn hơn so với các quận nội thành?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Vào mùa Đông Xuân, do thời tiết nồm ẩm kèm theo mưa lạnh nên thường gặp các nhóm bệnh như: nhóm bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm, các dịch bệnh như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, ho gà và các viêm đường hô hấp cấp tính do virus, vi khuẩn (phế cầu, Hib, hô hấp hợp bào);

Nhóm bệnh qua đưởng tiêu hóa như rota virus, tay chân miệng.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này ngoài trẻ em còn gặp ở người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính dẫn tới giảm sức đề kháng.

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 23 Thạc sỹ, Bác sỹ Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu

Khó khăn lớn nhất trong việc phòng bệnh ở vùng nông thôn là ý thức người dân về chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm cơ bản chưa cao. 

Do đó, khuyến cáo, đối với vùng nông thôn, việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm phải đảm bảo các yêu cầu như vệ sinh cá nhân thường xuyên, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng;

Vào những ngày nhiệt độ thấp, người dân cần lưu ý giữ ấm cơ thể, khi ra lao động ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm cần mặc đủ ấm, đặc biệt lưu ý giữ ấm một số bộ phận như bàn chân, bàn tay, đầu, mặt, cổ; chủ động tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng bệnh như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, não mô cầu, phế cầu...

Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tiêu chảy.... 

Khi có dấu hiệu bị bệnh thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. 

Trung HN, văn phòng hỏi:
Xin hỏi bác sỹ Phạm Bá Hiền, dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng khiến người dân lo sợ, đâu là nguyên nhân, có phải do ý thức phòng bệnh của người dân kém hay do năng lực phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế còn hạn chế?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 24

Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm được khống chế do chúng ta đã có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi do có tính chất chu kỳ của bệnh, ví dụ như bệnh sốt xuất huyết thường 3-5 năm lại bùng phát một đợt dịch. Điều này xảy ra một phần do các bệnh truyền nhiễm chưa có vaccine phòng bệnh.

Bên cạnh đó, ý thức chủ động phòng chống bệnh tật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh chẳng hạn thói quen mắc bệnh tự điều trị tại nhà mà không đến các cơ sở y tế khám để được chuẩn đoán phù hợp dẫn đến làm lây lan dịch bệnh.

Nguyễn Văn Chung hỏi:
Xin ông cho biết, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi? Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin sởi?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Vaccine phòng bệnh sởi có thể sử dụng cho tất cả mọi đối tượng nếu chưa bị mắc bệnh, trừ phụ nữ đang thời kỳ mang thai. Hiện tại, bạn đang cho con bú mà trước đây chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh sởi và bạn chưa bị mắc bệnh sởi thì nên đi tiêm phòng bệnh sởi ngay. 

Hoàng Thị Thu Thủy hỏi:
Những ngày qua thời tiết rất giá lạnh, Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện huyện Thạch Thất đã có những giải pháp gì để giữ ấm cho người bệnh phải nằm điều trị nội trú.
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 25

Trung tâm y tế huyện đã tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống rét, đảm bảo việc che chắn gió lạnh tại phòng khám bệnh, các khu vực tiêm chủng; cung cấp nước ấm; tăng cường sử dụng các thiết bị sưởi ấm cho người dân đến khám bệnh; xây dựng lịch khám bệnh, tiêm chủng phù hợp, tiện cho người dân đến khám bệnh hoặc tiêm chủng. 

Nguyễn Quỳnh Trang hỏi:
Tôi đọc báo thấy trời lạnh nhiều người già dậy đi tập thể dục sớm dễ bị đột quỵ, đột tử nên rất hoang mang vì cả hai vợ chồng tôi đều có thói quen dậy tập thể dục buổi sáng từ hàng chục năm nay, nếu nghỉ rất khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi để tôi yên tâm?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe và được các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thực hiện đều đặn. Tuy nhiên, tập thể dục vào buổi sáng sớm đặc biệt khi thời tiết khắc nghiệt nhiều khi không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về các thời điểm tập luyện thích hợp trong ngày. Các thời điểm luyện tập khác nhau gần như không có sự khác biệt về lợi ích.

Những ngày thời tiết lạnh giá, nhân viên y tế khuyến cáo không nên luyện tập vào sáng sớm mà nên lùi thời gian hoặc chuyển sang buổi chiều để tránh cảm lạnh, đột quỵ não, tăng huyết áp, hoặc đau ngực, co thắt mạch vành...

Trước khi tập luyện, người cao tuổi nên mặc ấm nhưng không mặc quá dày, khởi động kỹ trước khi luyện tập. Chú ý, khi tập nếu ra nhiều mồ hôi phải cởi bớt áo để bớt cảm lạnh.

Bên cạnh chế độ tập luyện, người cao tuổi cần có cần có chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước vào mùa đông để đảm bảo sức khỏe.

Hoàng Thu Trang hỏi:
Một trong những câu chuyện thời sự được người dân rất quan tâm thời gian gần đây là thiếu vaccine 5 trong 1 do vaccine Quinvaxem đã hết, vaccine thay thế Combe Five chưa được cấp. Xin hỏi tại huyện Thạch Thất việc tiêm vaccine 5 trong 1 tại huyện thời gian qua có gặp khó khăn hay gián đoạn gì không?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 26

ThS Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) giao lưu với bạn đọc Báo ANTĐ

Hiện tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất đã thực hiện triển khai tiêm vaccine ComBE Five thay thế vaccine Quinvaxem cho trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ sinh từ 1/7/2017 đến 31/12/2017 theo đúng chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội.

Thời gian qua có một số buổi tiêm chủng thiếu vaccine Quinvaxem ngoài việc khuyến cáo người dân tiêm thay thế bằng các vaccine dịch vụ thì hiện tại, đã triển khai tiêm vaccine ComBE Five. Về cơ bản tiêm chủng các vaccine này vẫn đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh của người dân trên địa bàn.

Qua đây cũng thông tin đến người dân một số điều: Thứ nhất, vaccine ComBE Five là vaccine thay thế cho vaccine Quinvaxem chứ không phải là vaccine mới phòng bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván- Viêm gan B và Hib. Thành phần và tác dụng cũng tương tự như vaccine Quinvaxem.

Sau tiêm, có thể gặp một số phản ứng như đau tại chỗ tiêm, sốt cao trên 38-39 độ C, khóc thét, quấy khóc kéo dài. Người dân cần tuân thủ việc theo dõi sau tiêm cho trẻ tại trạm y tế 30 phút và ít nhất là 24 tiếng sau tiêm tại nhà; tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế; đưa trẻ đến trạm y tế khám, xử lý kịp thời nếu trẻ gặp các trường hợp có phản ứng nặng hoặc các dấu hiệu bất thường. 

Cấn Thu Hương hỏi:
Vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, người dân ở các vùng nông thôn sử dụng rất nhiều rượu tự nấu, rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm tăng nguy cơ ngộ độc. Trung tâm Y tế huyện đã triển khai những biện pháp gì, có khuyến cáo gì?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 27

Người dân nên hạn chế uống rượu, uống có kiểm soát 

Đối với các loại rượu tự nấu, các hộ gia đình thường không kiểm soát được nồng độ methanol trong rượu nên dễ gây ngộ độc rượu cho người sử dụng. Để tăng cường phòng chống ngộ độc rượu xảy ra, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kiểm tra cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh về các điều kiện hành nghề, xử phạt thật nghiêm minh những trường hợp không đảm bảo điều kiện về vệ sinh ATTP. 

Đối với người dân, nên uống rượu có kiểm soát, cần lựa chọn những loại rượu rõ nguồn gốc để sử dụng trong các bữa tiệc gia đình, hoặc các dịp lễ hội.

Trần Hương Loan hỏi:
Thời điểm này có phải dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc đã ở cuối vụ dịch hay không. Có người nói với tôi rằng cứ khi nào thời tiết bước vào đợt rét đậm thì muỗi sốt xuất huyết sẽ tự chết hoặc không sinh sôi, gây bệnh được. Điều này có đúng không?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 28

BSCK II Khổng Minh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trả lời bạn đọc 

Tại Hà Nội, ngành y tế ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vào tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, số mắc tăng cao từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Hiện tại đang vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp không thuận lợi cho muỗi phát triển nên số mắc giảm nhiều. Mặc dù vậy, điều kiện kinh tế và nhà cửa của người dân đã được nâng cao nên nhiệt độ trong nhà thường cao hơn ngoài trời nên nếu trong nhà có các dụng cụ chứa nước không được xử lý thì muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh. 

Nguyễn Tuyết Trinh hỏi:
Tôi nhớ thường dịp Tết, đầu năm mới hay có dịch sởi và thủy đậu, rubella. Tình hình các dịch bệnh đó thời điểm này ra sao, cần làm gì để phòng bệnh?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 29

BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội giao lưu với bạn đọc Báo ANTĐ

Đúng như bạn đọc nói, vào mùa đông xuân, khí hậu, thời tiết thuận lợi cho virus sởi, thủy đậu, rubella và quai bị phát triển, lây lan nên số mắc các ca bệnh này thường gia tăng vào mùa đông xuân. 

Năm 2018 và 2019, theo dự báo của ngành y tế, dịch sởi có thể bùng phát tại Hà Nội. Vì vậy, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã quyết định tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội vào tháng 11 và tháng 12-2018. Chính vì vậy, số mắc hiện tại không gia tăng. 

Để không mắc bệnh sởi, thủy đậu, rubella, quai bị, khuyến cáo người dân cho trẻ từ 1-5 tuổi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng bệnh sởi, rubella theo lịch của địa phương. Những lứa tuổi khác cần chủ động đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm vaccine phòng bệnh sởi- quai bị- rubella; thủy đậu để phòng bệnh cho chính mình và góp phần tạo miễn dịch cho cộng đồng. 

Thành Nam, Grab bike, HN hỏi:
Tôi xin hỏi bác sỹ Hiền, trong quá trình đi làm, tôi thường phải tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, trong môi trường ô nhiễm khói bụi, tôi nên làm gì để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 30

Các bệnh truyền nhiễm là những bệnh do tác nhân vi sinh vật lây truyền từ người này sang người khác. Có nhiều đường lây khác nhau, trong đó, lây truyền qua đường hô hấp là một đường lây phổ biến.

Đặc biệt, trong mùa đông xuân, khi thời tiết lạnh mọi người rất dễ mắc các bệnh lây qua đường hô hấp. Vậy, khi người dân đến những nơi tập trung đông người hoặc tham gia giao thông nên đeo khẩu trang để phòng tránh khói bụi cũng như phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp gây nên.

Đinh Công Binh hỏi:
Mấy hôm nay thời tiết giá lạnh, tôi thấy khó thở, nặng ngực và ho nhiều, có khi nào bị u phổi hay ung thư gì không bác sĩ? Mà dấu hiệu khó thở thì em tôi cũng bị nhiều năm nay, riêng nặng ngực khó thở thì lâu lâu bị?
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Trước hết, dấu hiệu đau ngực, khó thở và ho khi thay đổi thời tiết, khi trời lạnh là có vấn đề về sức khỏe. Bệnh nhân cần phải theo dõi sát các triệu chứng này. Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn cụ thể vì triệu chứng ho, khó thở khi thay đổi thời tiết có thể gặp trong rất nhiều bệnh như: viêm phế quản, viêm phổi; bệnh nhân có bệnh lý mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những cơn tăng huyết áp không được theo dõi...

Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám và tư vấn cụ thể. 

Bệnh nhân cũng không nên lo lắng quá vì bản thân u phổi có nhiều dấu hiệu như toàn thân suy kiệt, sút cân, sốt, khó thở, nổi hạch ở vùng cổ...

Lê Năng Loan hỏi:
Có mấy người bạn bảo để ngừa dịch bệnh tay-chân-miệng phải lấy hóa chất diệt trùng Chloramin B lau chùi nhà cửa, đồ chơi cho trẻ. Tôi muốn hỏi chất này mua ở đâu và sử dụng thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ không?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Để phòng chống tay- chân- miệng thì biện pháp quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ, rửa dụng cụ, đồ chơi của trẻ thường xuyên bằng các chất tẩy rửa thông thường.

Hóa chất Chloramin B là hóa chất được sử dụng khử khuẩn tại các khu vực có ổ dịch trong trường học và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của ngành y tế. Tại các hộ gia đình, chỉ cần sử dụng xà phòng để rửa tay hàng ngày và các chất tẩy rửa gia dụng thông thường khác. 

Nguyễn Thị Minh Tú hỏi:
Vừa qua, Thành phố Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Bác sĩ có thể cho biết kết quả triển khai công tác này tại địa phương ra sao?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm y tế huyện Thạch Thất đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn huyện. 

Giao lưu trực tuyến: "Công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát" ảnh 31

Chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine phòng sởi- rubella tại huyện Thạch Thất đạt kết quả 99,2%

Kết quả đạt được 99,2% (khoảng 19.200 trẻ) số trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn đã được tiêm chủng bổ sung vaccine sởi- rubella tại trường học và các khu dân cư. Không có trường hợp nào xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng. Số còn lại là các trường hợp không đủ điều kiện để tiêm chủng.

Trang black hỏi:
Tôi bị mỡ máu cao 6,7. Theo bác sĩ, ngoài tập thể dục ra tôi nên làm gì? Có nên nhịn ăn? 
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trả lời:

Chỉ số mỡ máu 6,7 là mức cao. Tuy nhiên, để quyết định điều trị bằng thuốc hay không bằng thuốc thì phải cá thể hóa bệnh nhân. Trước hết, cần xem xét thông tin về tuổi, giới, chỉ số BMI, ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ khác như chỉ số tim mạch, tiểu đường... Nếu bệnh nhân không có những yếu tố nguy cơ này, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn: hạn chế tăng lượng mỡ, nội tạng động vật, trứng; ăn nhiều rau, giảm tinh bột.

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn, bạn cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, không khuyến khích nhịn ăn. Khi bệnh nhân có chế độ ăn và luyện tập phù hợp, hàng tháng, bệnh nhân nên đi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, khi xét nghiệm máu phải chú ý 4 thành phần trong bộ mỡ máu, đặc biệt chú ý đến thành phần LDL-colesterol đây là mỡ máu xấu mà người dân thường đề cập đến.

Hàng tháng, khi đi xét nghiệm mà chỉ số này giảm so với ban đầu thì bệnh nhân nên tiếp tục với chế độ ăn uống đã điều chỉnh cộng thêm luyện tập phù hợp mà không cần điều trị thuốc. Đây là mỡ máu đơn thuần. Nếu với chỉ số máu trên cộng với các bệnh lý đã đề cập nêu trên thì bệnh nhân nên điều trị mỡ máu sớm. Thực tế, có những trường hợp bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim mạch thì bệnh nhân đó phải điều trị mỡ máu lâu dài nếu thuốc đó không có tác dụng phụ.

Minh Hương hỏi:
Xin ông cho biết những dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa đông - xuân? Làm cách nào để phòng tránh hiệu quả?
BSCK2 Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:

Các dịch bệnh thường gặp trong mùa đông- xuân là những bệnh lây qua đường hô hấp, ví dụ: cúm mùa; cúm gia cầm lây sang người như: cúm A H5N1, cúm A H7N9; viêm đường hô hấp do các loại vi khuẩn và virus; sởi; viêm màng não do não mô cầu; thủy đậu; quai bị; rubella...

Để phòng tránh những bệnh thường gặp trong mùa đông- xuân, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: 

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ calo và ăn thức ăn nóng để có 1 cơ thể khỏe mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết.

- Hạn chế đi ra đường khi nhiệt độ xuống thấp. Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, chú ý giữ ấm bàn tay, bàn chân và vùng đầu, mặt, cổ. 

- Xúc họng, rửa mũi thường xuyên hàng ngày.

- Đóng kín cửa, tránh gió lùa, dùng đèn xông tinh dầu trong các phòng làm việc hoặc phòng sinh hoạt.

- Chủ động đi tiêm phòng các bệnh đã có vacine phòng bệnh như: sởi, quai bị, rubella, cúm, phế cầu, não mô cầu, thủy đậu...

Nguyễn Trọng Tuấn hỏi:
Để chủ động phòng chống các bệnh, dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa đông xuân, thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán như hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất đã có kế hoạch như thế nào?
Ths Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất trả lời:

Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất đã có tham mưu cho UBND huyện trên cơ sở kế hoạch tổng thể này chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể khác như phòng chống dịch mùa Đông Xuân, phòng chống dịch mùa Hè, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống nhóm bệnh về tiêu hóa....

Triển khai kế hoạch đến các trạm y tế các xã, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực Yên Bình chú trọng các giải pháp tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, của các xã; truyền thông trực tiếp tại các cụm dân cư, thôn làng.

Nội dung truyền thông rất đa dạng, khuyến cáo người dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, chế độ dinh dưỡng, tập luyện nâng cao thể trạng, chủ động đi tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu,...

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để có giải pháp điều trị kịp thời, phù hợp. Từ đó giảm thiểu các biến chứng, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD (viêm phổi tắc nghẽn mãn tính)....

Trạm y tế các xã, thị trấn và phòng khám đa khoa chủ động việc giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Tổ chức tốt các buổi tiêm chủng, thường xuyên vào thứ 4 hàng tuần và các chiến dịch tiêm chủng bổ sung để góp phần nâng cao sức đề kháng cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị nhiễm bệnh như trẻ em, người già.