Yêu cầu cấp bách tái cấu trúc hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trường nghề (1)

Giáo dục đại học: Thành lập ồ ạt rồi lại sáp nhập, giải thể

ANTD.VN - LTS: Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học cũng như trường nghề đang là xu hướng bắt buộc phải làm để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây được xem là giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Hệ quả của việc thành lập ồ ạt các trường đại học đang khiến cho chất lượng đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam “chậm tiến” nhất trong hệ thống giáo dục, trong khi đây lại là điểm mấu chốt quyết định nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Giáo dục đại học: Thành lập ồ ạt rồi lại sáp nhập, giải thể ảnh 1Việc sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện với kết quả khả quan

Hệ quả tai hại

Năm 2018, tình hình khó khăn trong tuyển sinh đối với nhóm các trường đại học tốp dưới và khối sư phạm đã được dự báo trước. Với việc bỏ điểm sàn, để các trường tự chủ phương án tuyển sinh, nhiều sinh viên không cần lấy điểm THPT quốc gia vẫn có thể trúng tuyển đại học qua hình thức xét học bạ THPT. 

Câu chuyện trúng tuyển đại học không còn “nóng” như những năm trước, trừ một số trường tốp đầu. Tình trạng người người, nhà nhà trúng tuyển đại học không còn lạ lẫm và kèm theo đó là cảnh báo về chất lượng đầu ra và tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều.

Theo ông Từ Quang Hiển, trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, nước ta có 300 trường đại học sau một thời gian bùng nổ về mặt số lượng. Nguyên nhân sâu xa của việc thành lập ồ ạt các trường đại học là nhằm đạt được mục tiêu 200 sinh viên/ vạn dân.

“Bên cạnh đó là tâm lý của lãnh đạo các tỉnh “con gà tức nhau tiếng gáy”, tỉnh A có trường đại học thì tỉnh B cũng tìm mọi cách để thành lập cho bằng được” - ông Từ Quang Hiển cho biết và chỉ rõ, việc thành lập ồ ạt nhiều trường trong một thời gian ngắn, bỏ qua tính kế hoạch và cơ sở khoa học, thực tiễn của việc thành lập trường đã dẫn đến nhiều bất cập. Thiếu giảng viên giỏi, chất lượng đầu vào thấp vì trước đây 100 học sinh tốt nghiệp THPT chỉ tuyển chọn 25-30 em vào đại học có học lực khá, giỏi, ngày nay 100 em có tới 70-80 em được mời vào đại học (khoảng một nửa số này có học lực trung bình hoặc dưới trung bình).

Nhìn một cách tổng quát, để đạt được mục tiêu 200 sinh/ vạn dân thì số lượng sinh viên của cả nước sẽ là 1,9 triệu, trung bình mỗi sinh viên học 4 năm thì tuyển sinh hàng năm sẽ là 475.000 em.

Trong thực tế các năm 2015, 2016, 2017, bình quân mỗi năm chỉ có 867.000 học sinh học hết lớp 12, trong đó chỉ có 600.000 en đăng ký dự thi tốt nghiệp với 2 mục đích (xét tốt nghiệp và xét vào đại học). Nếu mỗi năm tuyển 475.000 sinh viên thì tỉ lệ tuyển chọn hàng năm sẽ là 79% (475.000/600.000). Nếu mỗi trường đại học tuyển 2.000 sinh viên/năm thì không cần phải tổ chức thi tuyển đại học (300 trường x 2.000 sinh viên/năm = 600.000 sinh viên/năm).

Đáng chú ý, việc thành lập các trường đại học mới chủ yếu tập trung vào các ngành học cần đầu tư thấp dẫn đến mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực và lãng phí kinh phí đào tạo.

Giáo dục đại học: Thành lập ồ ạt rồi lại sáp nhập, giải thể ảnh 2Các trường đại học không đáp ứng được chất lượng, nhu cầu đào tạo của sinh viên và nhà tuyển dụng sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể

Đẩy nhanh sáp nhập hoặc giải thể

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2013-2017, ngân sách Nhà nước đã chi 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo, trong đó ước tính 172.905 tỷ đồng cho giáo dục đại học. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở GD-ĐT hoạt động không hiệu quả.

Đặc biệt, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học và cần sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Việc sắp xếp lại sẽ tránh được việc chi ngân sách cho những cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm.

Trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội về tình trạng các trường đại học kém hiệu quả, không tuyển sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT đã giám sát và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới, các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể. Trong khi Bộ GD-ĐT vẫn đang loay hoay với chủ trương này thì trên thực tế, vấn đề sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã được Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện từ 2 năm nay với kết quả khả quan.

Khẩn trương quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm 

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra con số thống kê: Hiện nay, Việt Nam có hơn 100 trường có đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, có 14 đại học sư phạm, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm. Hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập. Hiện không ít trường sư phạm ở địa phương đang gặp khó vì không tuyển được sinh viên. 

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, GS.TS Nguyễn Văn Minh đưa ra kiến nghị cần quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng rà soát, sắp xếp lại để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín. Còn các trường cao đẳng sẽ chuyển thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng giáo viên ở địa phương. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm là rất cấp bách nhằm hình thành các cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục đất nước trong thời kỳ mới.

Bài học về những cuộc sáp nhập đại học

GS Lâm Quang Thiệp, trường ĐH Thăng Long cho biết, việc thay đổi mô hình các cơ sở giáo dục đại học là chủ trương quan trọng của đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, việc sáp nhập trước đây thành các đại học quốc gia và đại học vùng theo mô hình đại học đa lĩnh vực đã diễn ra không suôn sẻ. Đơn cử, việc sáp nhập trường ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm trước đây đã được thực hiện một cách máy móc, không có kết quả. Sau một thời gian hợp nhất, năm 2000 trường ĐH Sư phạm lại được quyết định tách ra khỏi ĐHQG Hà Nội. 

Tại TP.HCM, năm 1988, quy mô các trường đại học đều rất nhỏ bé, thường dưới 1.000 sinh viên nên phương án sáp nhập 9 trường đại học trên địa bàn TP.HCM để thành lập ĐHQG TP.HCM đã được đề xuất và Nghị định 16/CP của Chính phủ ngày 27-1-1995 đã quyết định trên tinh thần đó. Tuy nhiên, khi thực hiện các phương án này vào năm 1995, quy mô các trường đại học đơn ngành đã tăng lên rất nhiều, do đó, việc nhập quá nhiều trường tạo nên một đại học đa lĩnh vực quá lớn.

Đó là lý do vào năm 2001, Chính phủ quyết định tổ chức lại và giảm bớt quy mô của ĐHQG TP.HCM bằng cách đưa ra ngoài bớt một số trường thành viên. Đây có thể xem là những bài học trong việc sáp nhập, thay đổi mô hình trường đại học tới đây để có thể phát huy đầy đủ năng lực của các trường thay vì chỉ làm hình thức.

(Còn nữa)