Giao dịch qua mạng tăng nhanh nhưng thanh toán chủ yếu vẫn bằng tiền mặt

ANTĐ - Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn, nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số”.

Giao dịch qua mạng tăng nhanh nhưng thanh toán chủ yếu vẫn bằng tiền mặt ảnh 1Thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán sẽ giúp GDP tăng khoảng 1%
GDP tăng thêm 1% khi thanh toán điện tử đạt 90%

Trong xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa tài chính, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng các chính sách phát triển bền vững của Chính phủ đã tạo nền tảng vững chắc cho hiện đại hóa hệ thống thanh toán, từng bước giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ hành chính công thuận lợi và dễ dàng hơn.

Dù vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Các kênh và phương tiện thanh toán như ATM, POS hay thẻ ngân hàng bùng nổ nhưng giao dịch thanh toán điện tử chưa phát triển tương xứng. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hơn 3 tỷ USD nhưng thanh toán điện tử mới chiếm 5% giá trị mua sắm hàng hoá dịch vụ.

Nhằm hướng tới một môi trường thanh toán hiện đại, thuận tiện và hiệu quả hơn, Báo điện tử VnExpress cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng tổ chức VEPF 2015 với thông điệp chính là “Kết nối và hợp tác nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử”.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Phó thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn.

Góp phần minh bạch, chống tham nhũng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang tham gia hai cuộc cách mạng mang tính thời đại là các hiệp định thương mại tự do - FTA và cách mạng công nghệ thông tin. Để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thanh toán điện tử.

“Thanh toán tiền mặt là trở ngại cho việc chống tham nhũng, không minh bạch. Sử dụng tiền mặt là văn hoá của người Việt từ lâu, khi vào cuộc chơi hội nhập với hàng loạt các cường quốc công nghệ thông tin, chúng ta phải đảo ngược tình thế phải thanh toán điện tử”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

Giao dịch qua mạng tăng nhanh nhưng thanh toán chủ yếu vẫn bằng tiền mặt ảnh 2

Dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử là động lực thúc đẩy thanh toán trực tuyếnNhìn nhận về những động lực thúc đẩy thanh toán điện tử, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Cùng với sự phát triển của dịch vụ công điện tử và thương mại điện tử, nhu cầu kết nối và tích hợp với thanh toán điện tử nảy sinh, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển”. 

“Một trong các lĩnh vực dịch vụ công điện tử gần đây được Chính phủ, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh là việc nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự đồng bộ, kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng”, ông Thắng phân tích.

Đại diện NHNN cũng chỉ rõ: “Để nâng cao được tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử, một trong những yêu cầu đặt ra là cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn”.