Gian lận ở điểm bán lẻ xăng dầu: Vi phạm nhiều, nhưng khó xử lý

ANTĐ - Thời gian qua, hiện tượng gian lận ở các điểm bán xăng dầu diễn ra khá phổ biến. Không ít hình ảnh, clip về hiện tượng này đã được đăng tải công khai trên mạng, dư luận bày tỏ bức xúc, cơ quan chức năng hứa sẽ xử lý nghiêm, song số vụ gian lận vẫn có xu hướng tăng.

Gian lận ở điểm bán lẻ xăng dầu: Vi phạm nhiều, nhưng khó xử lý ảnh 1Rất nhiều hình ảnh vạch trần trò gian lận tại các cây xăng được đăng tải trên mạng nhằm giúp người dân tránh bị “móc túi” oan

Chỉ khách hàng chịu thiệt

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video trong đó có cảnh một khách hàng khi đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Cung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do nghi ngờ nhân viên bán xăng gian lận nên đã thẳng tay bạt tai nhân viên này. Sau khi được đăng tải trên mạng, đoạn video này lập tức được chia sẻ với tốc độ khá nhanh với nhiều ý kiến trái chiều. 

Điều đáng nói là tình trạng gian lận tại các điểm bán xăng dầu thời gian qua diễn ra khá phổ biến  với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Hầu hết khách hàng khi nghi ngờ hoặc phát hiện được đều im lặng cho qua vì rất khó để đưa ra bằng chứng. Từng là người bị “ăn bớt” khi mua xăng, anh Nguyễn Văn Trung - lái xe du lịch ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, việc phát hiện cửa hàng xăng dầu có hành vi gian lận không phải là khó.

Người mua chỉ cần nhìn kim báo xăng lúc trước và sau khi đổ, so sánh các lần đổ với nhau sẽ có kết quả ngay. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của anh Trung, những lần anh đổ xăng theo số tiền chẵn rất hay bị bơm thiếu. “Đã có lần tôi to tiếng với nhân viêm bơm xăng khi thấy cùng số tiền như mọi hôm nhưng lượng xăng được đổ vào bình thấp hơn hẳn. Lời qua tiếng lại một hồi, do không có bằng chứng cụ thể nên cuối cùng tôi buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và tự nhủ “cạch mặt” cây xăng đó đến già. Sau lần đó, tôi chỉ đổ xăng ở những điểm quen thuộc, đồng thời luôn để ý đến số đồng hồ để kiểm tra” - anh Trung chia sẻ.

Theo các cơ quan chức năng, việc bắt quả tang hành vi gian lận gặp khó còn bởi thiết bị điện tử (chip) để gian lận lượng xăng bán ra được điều khiển từ xa, nên chỉ cần lực lượng kiểm tra xuất hiện là các nhân viên cây xăng nhanh chóng ngắt chip.

Người dân nên mạnh dạn tố cáo

“Hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định. 

Cũng theo luật sư Thành Chung, Nghị định số 97/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu đã quy định, phạt tiền từ 35-50 triệu đồng đối với hành vi tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu. 

Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 162 Bộ luật Hình sự, đối tượng thực hiện việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-3 năm.  Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn bị phạt tù từ 2-7 năm.

Đối với khách hàng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, khi bị gian lận trong đo lường xăng tại các cây xăng, việc đầu tiên là cần có ý kiến ngay với nhân viên bán xăng, người quản lý, hoặc gọi điện đến đường dây nóng của đơn vị chủ quản cây xăng đó. Trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng,  khách hàng có thể làm đơn  khiếu nại, tố cáo hành vi này tới các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình báo tới cơ quan công an, tiến hành khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện điểm bán xăng gian lận ra TAND cấp huyện - nơi có đại lý bán xăng.

Quy định là vậy, song thời gian qua hầu hết các cây xăng vi phạm chỉ bị xử lý hành chính bằng cách phạt tiền, bởi việc xác định chứng cứ phạm tội của tội danh này là không hề đơn giản do người mua hàng khó chứng minh mình bị thiệt hại. Hơn nữa, số tiền khách hàng bị ăn bớt mỗi lần là không nhiều nên họ ngại đứng ra tố cáo. Trong khi đó, hành vi gian lận phải được chứng minh là “thường xuyên và với quy mô lớn”. Ngoài ra, những người bơm xăng gian thường có thủ đoạn rất tinh vi, không để lại bằng chứng nên rất khó trong việc phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản để xử lý hình sự. 

“Nhằm xử lý nghiêm hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, trước hết Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này theo hướng tăng nặng mức xử phạt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra và công khai các điểm bán xăng dầu gian lận trên các phương tiện truyền thông, tích cực tuyên truyền, vận động người tiêu dùng mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm” - luật sư Nguyễn Thành Chung đề xuất.        

    

Để tránh bị “ăn bớt” khi mua xăng

Theo ông Đào Văn Hùng - chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở huyện Đông Anh, Hà Nội, để tránh bị “ăn bớt” khi mua xăng dầu, khách hàng cần mua xăng theo dung tích (mua theo tiền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi gian lận), không mua xăng khi có hai người cùng thao tác và nên mua ở các cây xăng có nhiều lái xe tải, xe khách thường mua.

Trong quá trình mua xăng, khách hàng cũng cần quan sát kỹ đồng hồ, thao tác của nhân viên bơm xăng và không nên đổ xăng đầy bình. Bên cạnh đó, khách hàng không nên đổ quá nhiều xăng ở cây xăng mới, cần yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0” trước khi bơm, có theo dõi, so sánh đối chiếu giữa các lần mua xăng để chọn ra một nơi tin tưởng. 

Luôn cầu thị, lắng nghe kiến nghị của khách hàng

Đây là yêu cầu được lãnh đạo Công ty Xăng dầu Khu vực I quán triệt đến đội ngũ nhân viên bán hàng tại các cây xăng thuộc thẩm quyền quản lý. Với 125 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bố trên địa bàn Hà Nội,  Bắc Ninh,  Vĩnh Phúc, Công ty Xăng dầu Khu vực I cung cấp gần 50% nhu cầu bán lẻ trên thị trường.

Để phục vụ khách hàng tốt nhất, đặc biệt phòng ngừa, hạn chế tối đa hiện tượng bán thiếu hàng, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị doanh nghiệp tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng dịch vụ tốt. 

Nếu khách hàng chưa hài lòng về thái độ phục vụ của nhân viên hoặc có thắc mắc về chất lượng dịch vụ tại các cây xăng, có thể phản ánh đến lãnh đạo công ty để được xem xét, giải quyết kịp thời. Tôi cho rằng với bất kỳ doanh nghiệp xăng dầu nào, sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, kiến nghị chính là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa gian lận trong quá trình giao dịch với khách hàng, người dân.              

Trần Đắc Xuân(Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực I)