Giám sát ngay từ gốc

ANTĐ - Thảo luận về dự thảo Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải khắc phục bằng được tình trạng, lúc đi giám sát thì “rồng rắn”, nhưng giám sát xong lại để mọi việc trôi đi, không chuyển biến, hiệu lực giám sát không cao.

Vì vậy, sau giám sát phải có báo cáo, kiến nghị, kết luận. Nếu đoàn giám sát có kết luận về việc vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo, giải trình, khắc phục. Yêu cầu này của Chủ tịch Quốc hội là đòi hỏi bức thiết trong công tác giám sát thuộc nhiều lĩnh vực, nổi cộm và gây bức xúc trong thời gian gần đây là trách nhiệm “hậu” giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở cấp phường, xã.

Vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra tại Đồng Hới, Quảng Bình khiến 10 trẻ em và 36 người lớn nhập viện vì ăn bánh mì kẹp thịt chỉ là một trong hàng trăm vụ ngộ độc trên cả nước. Còn không ít vụ ngộ độc tập thể khác đã từng diễn ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hay ngay tại các bếp ăn tập thể của nhà trường. Ngộ độc tập thể, nhưng trách nhiệm cá nhân thuộc về ai? Dĩ nhiên đầu tiên phải quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ doanh nghiệp hay BGH nhà trường bởi khi đấu thầu, họ đã “khoán trắng” mọi thứ cho các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Những cơ sở này chỉ chăm bớt xén, thu mua thực phẩm rẻ tiền, cốt sao kiếm được nhiều lời lãi mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của hàng trăm người lao động, học sinh bán trú. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua trách nhiệm gián tiếp của các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng thanh tra, giám sát VSATTP.

Theo Chi cục VSATTP tỉnh Quảng Bình, chỉ khi xảy ra vụ ngộ độc vừa qua, cơ quan chức năng mới vội vàng vào cuộc và đình chỉ hoạt động của cơ sở bán bánh mỳ. “Lỗ hổng” trong hệ thống quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát độ an toàn, miếng ăn, thức uống của người dân đâu chỉ thấy ở một địa phương. Bởi vậy, Hà Nội và TP.HCM đã đồng loạt ra quân xiết chặt công tác đảm bảo VSATTP và sắp thí điểm triển khai lực lượng Thanh tra an toàn thực phẩm tại quận, huyện, xã, phường. Đây sẽ là lực lượng mũi nhọn ở cơ sở trong lĩnh vực này.

Để người dân thực sự yên tâm ăn uống và không còn nỗi lo ám ảnh, chủ trương đảm bảo an toàn từ trang trại, chuồng trại đến mâm cơm rõ ràng việc triển khai này là một bước cụ thể hóa trách nhiệm. Cái gốc của rau củ quả cũng như “xuất xứ” của trâu bò, lợn, gà, vịt chẳng phải từ ruộng vườn, chuồng chăn nuôi sao? Nếu các phường, xã không giám sát ngay từ gốc thì ai có thể sâu sát hơn, nắm chắc hơn? Nếu không giám sát từ gốc thực phẩm sạch, an toàn, cứ để tràn lan cho người dân, người tiêu dùng “ăn đủ”, thì “phần ngọn” xử lý cũng bó tay.