Giám sát đến cùng

ANTĐ - Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và đây là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri với điểm đổi mới mà chưa kỳ họp Quốc hội nào thực hiện. Đó là, các đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn vấn đề chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào để đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội. 

Nhìn vào chương trình nghị sự của Quốc hội, ngoài hoạt động lập pháp, Quốc hội dành tới 12 ngày để thảo luận, phân tích thấu đáo những mặt được và chưa được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Bức tranh toàn cảnh của đất nước rõ ràng ngày càng khởi sắc, sáng sủa khi tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5%, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong mấy năm nay. “Sức khỏe” của nền kinh tế, nhất là của các doanh nghiệp đang dần hồi phục với hàng chục nghìn doanh nghiệp mới thành lập, vượt xa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Điểm sáng có sức lan tỏa mạnh là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chính sách tài chính và tiền tệ đã vượt qua “sóng gió” từ bên ngoài nhờ sự “chèo lái” chủ động, nhanh nhạy.

Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đạt con số ấn tượng. Tình trạng nợ xấu đã ra khỏi vòng luẩn quẩn, nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn. Vài nét chấm phá của bức tranh kinh tế - xã hội cho thấy, gam màu tươi sáng vẫn là chủ đạo, lấn át những điểm, mảng chưa sáng như nhập siêu quay trở lại, xuất khẩu những mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của nước ta có dấu hiệu sụt giảm...

Nhìn lại năm 2015 là để đánh giá nội lực của nền kinh tế, chuẩn bị hành trang bước vào năm 2016, năm mở đầu kế hoạch 5 năm tới, đồng thời sẵn sàng tâm thế để đủ sức hội nhập TPP. Thời gian vẫn còn để chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, sửa đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thuế, hải quan, đầu tư… để khơi dậy tiềm năng của các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khi bước vào sân chơi TPP với cơ hội và thách thức đan xen.

Bước đổi mới trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội chính là để cử tri theo dõi, giám sát những vấn đề còn tồn tại từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, vấn đề đại biểu nêu ra liên quan đến bộ nào, ngành nào thì Bộ trưởng, trưởng ngành đó phải có trách nhiệm trả lời. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết và gửi lại khóa sau tiếp tục giám sát. Sự đánh giá của cử tri đối vời từng ngành, từng tư lệnh ngành sẽ là thước đo chính xác nhất. Giám sát đến cùng sẽ mang lại hiệu quả, chất lượng thiết thực cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.