Giám sát chặt việc thực hiện ý kiến đóng góp của nhân dân

ANTD.VN - “Các hội nghị Công an lắng nghe ý kiến nhân dân năm 2019 trên địa bàn đến thời điểm này đã hoàn tất. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ủy – Ban chỉ huy Công an huyện thống nhất, là sẽ tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ đối với Công an cơ sở trong thực hiện ý kiến đóng góp của nhân dân”,  Thượng tá Bùi Nam Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ.

Không dừng lại ở hoạt động, kế hoạch mang tính chất “định kỳ”, Đảng ủy – Ban chỉ huy Công an huyện Gia Lâm đã xác định “Hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân năm 2019” là điều kiện, cơ hội quý báu để Công an huyện, nhất là lực lượng Công an cơ sở “tự soi, tự sửa”; thông qua những ý kiến đánh giá để định lượng được tình cảm, mong muốn của người dân đối với cán bộ, chiến sỹ Công an.

Hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân được CAH Gia Lâm tổ chức trang trọng, ấm cúng và thiết thực

Anh Đặng Thanh Bình (trú ở tổ Kiên Thành, thị trấn Trâu Quỳ) bày tỏ: "Tuy chỉ diễn ra trong một buổi sáng hoặc chiều, nhưng hội nghị của Công an thị trấn Trâu Quỳ, và tôi được biết là ở một số nơi khác như Đồn Công an Nam Đuống, Đồn Công an Bắc Đuống, Công an thị trấn Yên Viên, Đồn Công an Đa Tốn...thực sự trở thành ngày hội của người dân cơ sở. Trước hội nghị nhiều ngày, chúng tôi được thông tin, quán triệt mục đích, ý nghĩa của “buổi gặp gỡ”. Không hạn chế sự góp ý, phê bình; càng nghiêm túc, xây dựng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm của lực lượng Công an cơ sở trong công tác Công an, đó chính là mong muốn mà ban tổ chức đặt ra...".

Ở góc độ khác, Trung tá Đỗ Ngọc Sinh – Trưởng Công an thị trấn Yên Viên nhìn nhận, hội nghị là nơi mà thông tin được trao đổi, đánh giá một cách đa chiều. Cán bộ chiến sỹ Công an báo cáo tình hình, kết quả công tác Công an ở địa bàn, và chính người dân cơ sở sẽ nhận xét khách quan về nỗ lực, kết quả và cả những tồn tại của lực lượng Công an. Cũng ở hội nghị, một “thành tố” thứ ba, rất quan trọng, tham dự, là chỉ huy các đội nghiệp vụ và các đồng chí trong Ban chỉ huy Công an huyện. Có thể sẽ có những vấn đề mà đội nghiệp vụ chưa cập nhật được, nhưng sẽ được phản ánh qua ý kiến của người dân cơ sở. Hoặc, vấn đề đó vượt khả năng giải quyết của Công an cơ sở, thì đội nghiệp vụ sẽ có trách nhiệm thông tin, và trao đổi về phương hướng xử lý.

Tính chất “lắng nghe” còn được chính các thành viên trong Ban chỉ huy Công an huyện cụ thể hóa rõ nét nhất. Đó là, từng tồn tại, từng băn khoăn, từng sự phàn nàn, chưa hài lòng của nhân dân về cá nhân hay tập thể đơn vị nào đó, đều được chỉ huy Công an huyện nghiêm  túc tiếp thu. Mảng việc nào thuộc thẩm quyền của Công an cơ sở, chỉ huy đơn vị sẽ phải hứa trước người dân phương pháp và lộ trình giải quyết.

Những vấn đề không còn thuộc phạm vi cấp xã, sẽ do Công an huyện đảm trách; và cũng được xác định tiến độ xử lý trên tinh thần nhanh nhất và triệt để nhất.

Cả trăm ý kiến đóng góp của nhân dân đã được Công an huyện Gia Lâm tiếp nhận, từ những hội nghị thiết thực ở cấp cơ sở ấy. Những ý kiến khen, chê là tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét thi đua năm công tác của từng cán bộ, chiến sỹ cũng như tập thể. Vừa tự “sửa”, tự “soi”, lực lượng Công an cơ sở trên địa bàn huyện Gia Lâm hoàn thiện những khiếm khuyết, và suy ngẫm nhiều hơn, nghiêm túc hơn trước những mong muốn của nhân dân. Để rồi, từng cá nhân cán bộ, chiến sỹ xác định rõ hơn trách nhiệm, cũng chính là vinh dự, được cống hiến, hòa mình vì bình yên cuộc sống.