- Chủ tịch Quốc hội ngắt lời, yêu cầu Bộ trưởng KH-ĐT phải nhận trách nhiệm
- Đầu tư dàn trải, giải ngân chậm trễ, trách nhiệm chung chung
- "Cách trả lời của Bộ trưởng rất giống Bộ trưởng 3 nhiệm kỳ trước"
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: Chấm dứt việc xin - cho để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ
Về những sai phạm tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch “Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý Nhà nước của ngành, là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sự việc vừa qua. Chúng tôi đã và đang tập trung quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ và phương pháp điều hành, thực thi công vụ để công tác quản lý Nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn. Những giải pháp này chúng tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm”.
Vì sao vẫn còn tình trạng cấp phép các bài hát theo cơ chế xin - cho?
“Sau những sự việc xảy ra vừa qua liên quan tới cấp phép, phổ biến các ca khúc thì chúng tôi đã yêu cầu các Cục, Vụ liên quan rà soát lại các thủ tục hành chính về cấp phép ca khúc. Tinh thần của chúng tôi là giảm và hạn chế, chấm dứt việc xin - cho để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Bộ VH-TT&DL sẽ phải tìm một phương cách quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và phù hợp với sự hội nhập quốc tế.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác. Hiện nay, Bộ đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai ý kiến chỉ đạo này. Tinh thần chỉ đạo là phải thông thoáng về mặt thủ tục”.
Bao giờ du lịch Việt Nam phát triển như Thái Lan, Malaysia?
“Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khoảng 10 triệu lượt người, còn Thái Lan là 32 triệu, Malaysia khoảng hơn 26 triệu, Singapore khoảng 16 triệu và Indonesia khoảng 12 triệu lượt người. Tuy nhiên, năm 2016-2017, tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch của chúng ta tăng khoảng gần 30%. Giả sử ngành Du lịch Việt Nam trong những năm tới tăng khoảng 20-25%, ngành Du lịch Thái Lan tăng khoảng 7% như hiện nay (vì đã đến mức bão hòa), thì sau khoảng 15 năm nữa ngành Du lịch của Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan. Với Malaysia thì cần khoảng 10 năm nữa, với Singapore cần khoảng 3 năm nữa, còn đối với Indonesia chúng ta có thể đuổi kịp ngay năm sau”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Quản lý chặt chẽ việc phân bổ vốn đầu tư công, chống thất thoát lãng phí
Về những tồn tại, hạn chế của ngành
“Với tư cách là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT của nhiệm kỳ Chính phủ mới và lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, đây là dịp để tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp, giải quyết những vấn đề kịp thời, thấu đáo; đổi mới, cải thiện hơn nữa công tác tham mưu, xây dựng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Về việc phân bổ vốn đầu tư công chậm, giải ngân chậm
“Chúng tôi xin nhận trách là chưa cương quyết, còn nể nang khi yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó và cũng xin hứa với Quốc hội, một mặt sẽ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn Luật Đầu tư công, mặt khác cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Về nhiều dự án đầu tư công dàn trải, lãng phí
“Trong việc này, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là tham mưu chưa đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công còn chưa làm tốt. Vấn đề này đã khắc phục được một phần, nhưng không triệt để và vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội những giải pháp căn cơ hơn để quản lý chặt chẽ việc phân bổ vốn đầu tư công, chống thất thoát lãng phí”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng phải tăng
Viện phí tăng, chất lượng có tăng?
“Chắc chắn khi giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng phải tăng vì các chi phí đã được tính đúng, tính đủ hơn. Chúng tôi sẽ xúc tiến đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ nhân viên y tế, có những đơn vị chúng tôi đã đề nghị trước giờ khám bệnh nhân viên y tế phải cúi chào bệnh nhân”.
Giá thuốc ở Việt Nam, nhất là thuốc biệt dược vẫn quá cao
“Hiện nay ở nước ta có khoảng gần 700 thuốc biệt dược, có nghĩa là thuốc đang còn bản quyền nên giá rất cao. Cùng đó có khoảng 500 thuốc biệt dược gần hết bản quyền. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11, đưa những thuốc biệt dược đã hết bản quyền mà giá bán vẫn đang cao vào đấu thầu rộng rãi như đối với các thuốc generic ở nhóm 1, đàm phán để được giá thấp nhất. Với giải pháp này, sắp tới giá thuốc trong nước sẽ giảm thêm được 10%”.
Bao giờ bệnh viện hết quá tải, bệnh nhân không phải nằm ghép?
“Hiện nay, ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ nằm ghép đã giảm hẳn, chỉ còn một số bệnh viện là Bạch Mai, Ung bướu TP.HCM, Nhi đồng 1 TP.HCM… là còn tình trạng nằm ghép khá nhiều. Nhưng ngay ở các bệnh viện này cũng chỉ có nằm ghép ở một số khoa chứ không phải toàn bộ. Bên cạnh rất nhiều giải pháp trong đề án giảm tải bệnh viện đang triển khai, tới đây khi các bệnh viện kể trên xây dựng xong cơ sở 2 và hoàn thiện một số tòa nhà thì tình trạng quá tải sẽ giảm cơ bản, gần như sẽ không còn nằm ghép”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Làm hết sức mình để các vấn đề khó khăn của người nông dân sớm được giải quyết
Làm gì để người nông dân có thể sống được trên đất nông nghiệp của mình?
“Ở mỗi cương vị, đặc biệt là Bộ trưởng - Trưởng ngành phải có trách nhiệm đầu tiên. Nhưng một Trưởng ngành không bao giờ giải quyết hết việc được. Vừa qua, tôi rất cảm ơn cả hệ thống chính trị, toàn dân đã vào cuộc cùng bà con nông dân và doanh nghiệp, chúng ta làm được một số điều, tuy nhiên còn quá nhiều vấn đề đặt ra. Với trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi hứa là quyết tâm cao nhất, chỉ đạo hệ thống, mối liên kết phải thúc đẩy tốt, làm hết sức mình để các vấn đề khó khăn của người nông dân sớm được giải quyết”.
Bao giờ mới hết bài ca “được mùa mất giá”?
“Tổ chức thị trường và khâu chế biến đang là 2 khâu yếu nhất của chúng ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay để hội nhập được với thị trường thế giới đòi hỏi các yêu cầu khắt khe hơn nhiều. Muốn tổ chức được thị trường tốt hơn, với từng ngành hàng cần có thời gian, quy hoạch lại từ công tác tổ chức sản xuất, chế biến, đầu tư, khâu liên thông thị trường, quản lý… Chắc chắn trong một thời gian ngắn nữa không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi kia thiếu cái kia. Đây là một chặng đường gian khổ, nhưng buộc chúng ta phải làm”.