Giảm rác thải cũng là tiết kiệm tài nguyên
(ANTĐ) - Sáng kiến 3R tại Hà Nội (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác) đã khởi động giai đoạn hoạt động thứ 3, với bước mở rộng sang địa bàn phường Thành Công, sau khi đã thực hiện tại các phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du. Đây chính là những bước đi đầu tiên đầy nhẫn nại trong hành trình gian nan xây dựng ý thức của người dân đối với rác thải, đồng thời cũng nhằm khuyến khích những hành vi thân thiện với môi trường.
Chỉ tính riêng tại phường Thành Công, mỗi ngày toàn phường thải ra 37 tấn rác, trong đó 6 tấn có thể tái sử dụng. Nếu việc phân loại rác ngay tại nhà được thực hiện tốt sẽ giúp tận dụng nguồn tài nguyên này, đồng thời giảm tải cho bãi rác thành phố và tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng chi phí xử lý rác mỗi tháng.
Có thể thấy lợi ích từ việc phân loại rác sẽ lớn đến như thế nào nếu mô hình này được nhân rộng ra toàn thành phố, và các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Việc để rác hữu cơ và rác vô cơ vào 2 chiếc thùng riêng biệt màu xanh và màu vàng, nếu tăng cường tuyên truyền, vận động, chắc chắn người dân sẽ dần dần thực hiện tốt và hình thành ý thức phân loại rác.
Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ người dân tự phân loại, mà phụ thuộc rất lớn vào khâu quản lý và xử lý vốn không thuộc trách nhiệm của người dân. Rác phân loại xong, những người bới rác lại bới tung lên; Người thu gom rác có ý thức phân loại thành 2, 3 thùng, nhưng khi đổ thì đổ chung vào cùng một xe chứa hoặc chung một bãi;
Có những dự án về rác thải khi đưa ra cùng làm rất hồ hởi nhưng khi hết tiền thì dừng ngay dự án lại mà không cần biết là phải làm tới nơi tới chốn thì mới có kết quả. Điều này là cực kỳ lãng phí, và công phân loại rác từ nguồn của người dân trở thành công cốc!
Tại Pháp, các công ty vệ sinh tổ chức lấy rác theo loại, ví dụ ngày chẵn lấy rác vô cơ, ngày lẻ lấy rác hữu cơ. Căn cứ vào sự sắp xếp đó, người dân có thể mang đúng loại rác ra bỏ và các cơ quan vệ sinh cũng có cách xử lý phù hợp, tránh lộn xộn.
Phân loại rác thải tại nguồn như dự án thí điểm tại Hà Nội là việc làm rất cần thiết, nhưng để đạt hiệu quả thực sự thì những giải pháp đồng bộ trong vấn đề xử lý rác thải phải được tiến hành đồng thời.
Đây là một vấn đề rất khó, và không thể có được kết quả trong ngày một ngày hai. Để thay đổi ý thức, thói quen của người dân trong việc xử lý rác, Nhật Bản mất gần 50 năm.
Nhưng nếu không bắt đầu thì bao giờ mới có kết quả? Phân loại để tái chế rác thải không những để tiết kiệm tài nguyên, mà cũng chính nhằm làm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
Phương Anh