Giảm kỳ thị giúp phòng, chống HIV

(ANTĐ) - Trong 5 năm qua, gần 4 triệu người ở các nước đang phát triển bắt đầu được kéo dài cuộc sống nhờ thuốc kháng virus. Tuy nhiên, cứ 2 người bắt đầu được điều trị kháng virus thì lại có 5 người nhiễm mới. ở nước ta, khó khăn lớn nhất làm giảm tính hiệu quả của công cuộc phòng chống căn bệnh thế kỷ chính là sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV còn cao.

Nhân Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1-12:

Giảm kỳ thị giúp phòng, chống HIV

(ANTĐ) - Trong 5 năm qua, gần 4 triệu người ở các nước đang phát triển bắt đầu được kéo dài cuộc sống nhờ thuốc kháng virus. Tuy nhiên, cứ 2 người bắt đầu được điều trị kháng virus thì lại có 5 người nhiễm mới. ở nước ta, khó khăn lớn nhất làm giảm tính hiệu quả của công cuộc phòng chống căn bệnh thế kỷ chính là sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV còn cao.

Một bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị
Một bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị

Bị HIV không có nghĩa là chết

Mỵ (29 tuổi, ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là một cô gái bị nhiễm HIV. Mỵ thường thức dậy từ 3h30 sáng, cô ra chợ đầu mối mua rau, bún, cá rồi vội vã trở về, chuẩn bị cho một sớm bán hàng. Trẻ em, người lớn trong ấp coi bún cá của Mỵ là một món ăn sáng thường xuyên của họ. Mỗi sáng bán hàng, Mỵ kiếm được vài chục nghìn tiền lãi. Bán hết hàng, chị trở về và trên chiếc xe đạp quen thuộc, Mỵ lại cần mẫn với công việc đi tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV trên địa bàn được phân công.

Chồng mất do AIDS đã 6 năm, Mỵ cũng từng cận kề cái chết do bệnh lao rất nặng. Nhưng rồi những tiến bộ y học trong điều trị HIV đã kịp đến giành lại sự sống cho cô. Được sử dụng thuốc kháng virus (ARV), cô khỏe mạnh trở lại để có thể tự lao động kiếm sống. Năm 2007, Mỵ tham gia câu lạc bộ Hướng Dương. Hàng ngày, cô lọc cọc xe đạp đến từng hẻm phố tuyên truyền, thăm hỏi và hỗ trợ các bạn đồng đẳng tuân thủ phác đồ điều trị.

“Bị nhiễm HIV không có nghĩa là chết”, chị Cúc (SN 1973, Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) luôn nghĩ như vậy. Cúc kể: “Hồi đó, nghe ai nói đến HIV/AIDS là em sợ cứng người, tim đập dồn dập như kẻ ăn cắp bị bắt quả tang”. Đó là chuyện cách đây 3 năm, khi Cúc chưa dám nhận mình có HIV.

Là một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng, Cúc biết chắc chắn mình có HIV trong người khi người chồng nghiện ma túy mất do AIDS. Sợ bị mất việc, bị mọi người xa lánh, Cúc giấu kín bệnh, xin đi học chuyên khoa nâng cao và tự điều trị dự phòng cho bản thân. Sau những năm dài chịu đựng sự căng thẳng, dằn vặt về tinh thần, sức khỏe của Cúc suy sụp hẳn, Cúc quyết định cho mọi người và cơ quan biết mình có HIV.

Sau 6 tháng điều trị dứt khỏi bệnh lao, Cúc khỏe trở lại và bắt đầu tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng, rồi hoạt động cộng đồng. Để phù hợp với tình hình sức khỏe của cô, Cúc được đề bạt là Trạm trưởng Trạm Y tế trị trấn Cái Rồng. Ngoài công việc chính, Cúc mở một phòng tập thể dục thẩm mỹ phục vụ nhu cầu của chị em quanh thị trấn và cũng để rèn luyện sức khỏe. Mỗi ngày, Cúc có thể vừa hướng dẫn chị em, vừa cùng tập với họ tới 3h đồng hồ.

Sự kỳ thị với người HIV còn cao

Trong những năm gần đây, các chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta diễn ra rất mạnh mẽ, sôi nổi, song điều khó khăn nhất là sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV vẫn còn cao. Chị Phạm Thị Huệ (28 tuổi, Hải Phòng), là một người nhiễm HIV và hiện đang là tình nguyện viên của chương trình tình nguyện Liên hiệp quốc chia sẻ, 100% người nhiễm HIV phải mất một thời gian tương đối dài để lấy lại được cân bằng tâm lý. Có rất nhiều người không vượt qua được cú sốc này nên tự mình xa lánh mọi người, tinh thần sa sút, một số người khác trở nên sống buông xuôi, buông thả vì nghĩ “đằng nào mình cũng sắp chết”.

Bà Khuất Thu Hồng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, khó khăn lớn nhất trong các chương trình phòng chống HIV/AIDS chính là việc tiếp cận, làm thay đổi quan niệm, sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV và của chính người nhiễm HIV.

Ngày nay, quan niệm của xã hội với người nhiễm HIV đã có phần bình thường hơn song sự kỳ thị nhìn chung chưa giảm nhiều, bởi 3 nguyên nhân sau: Thứ nhất, cộng đồng sợ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm HIV; Thứ hai, ý nghĩ đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) vẫn phổ biến; Thứ ba, ở nhiều địa phương, các hoạt động tuyên truyền chống HIV/AIDS còn lệch lạc dẫn đến phản tác dụng, chẳng hạn nói đến HIV là vẽ biểu tượng đầu lâu xương chéo...

Hầu hết người nhiễm HIV đều rất khó khăn, cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Họ bị mọi người xa lánh, bị mất việc, mất tình cảm... do đó, họ rất cần có một bàn tay chia sẻ, giúp đỡ từ phía cộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, chống kỳ thị với người HIV là mục tiêu lớn nhất trong các chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có một rào cản nào ngăn cản người nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ xã hội, với cộng đồng. Cũng theo ông Long, Nhà nước khuyến khích thành lập các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực để người nhiễm HIV tự giúp đỡ lẫn nhau, đó cũng là cách tốt nhất để xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng với đối tượng này.

Tiến Hưng

Toàn quốc mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

(ANTĐ) - Sáng qua, 30-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Cùng lúc đó, tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước cũng diễn ra hơn 3.300 cuộc mít tinh ở các cấp (tỉnh/thành phố, quận/huyện, xã/phường) với khoảng 1,5 triệu người tham dự.

Diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại Hà Nội
Diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS  tại Hà Nội
Phát biểu khai mạc tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn, ma túy, mại dâm cho biết, chiến dịch phòng chống căn bệnh thế kỷ năm 2008 sẽ tập trung vào khẩu hiệu “Tăng cường lãnh đạo, trao quyền và thực hiện phòng chống AIDS”. Cuộc mít tinh và diễu hành phòng, chống AIDS vào cùng một thời điểm lớn nhất từ trước đến nay nhằm nâng cao nhận thức của nhà lãnh đạo và nhân dân với công tác này.

Duy Tiến