Giảm ít hay nhiều cũng cần minh bạch

ANTĐ - Sau nhiều lần xăng dầu giảm giá liên tục, cuối cùng thông tin về việc giá cước vận tải chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới cũng được các doanh nghiệp chính thức lên tiếng. 

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, các đơn vị kinh doanh vận tải trong Hiệp hội đã “thống nhất” khi nào giá xăng giảm xuống dưới 15.000 đồng thì tất cả các doanh nghiệp sẽ đồng loạt giảm giá cước. Thời điểm này, chỉ tính riêng từ đầu năm 2016, với tổng mức điều chỉnh 4 lần liên tiếp, giá xăng Ron 92 đã giảm tới 2.650 đồng/ lít (tương đương khoảng 16%) xuống mức 13.752 đồng/lít; giá dầu Diesel cũng giảm 3 lần với tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (khoảng 20%). 

Đối với giá cước taxi, theo thông tin của các doanh nghiệp, dự kiến mức giảm lớn nhất sẽ dừng ở con số… 500 đồng/km. Nghĩa là nếu cứ đi 100km bằng taxi, khách hàng sẽ được giảm tối đa khoảng 50.000 đồng - số tiền chẳng đáng là bao. Thế nên thông tin giảm giá cước taxi sẽ khó làm người dân cảm thấy vui. Theo tính toán thì giá xăng cho mỗi km di chuyển bằng taxi theo giá xăng hiện hành chỉ khoảng trên 1.000 đồng/km, trong khi đó người dân đang phải trả mức giá khoảng 11.000 đồng/km. Chính người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng phải thốt lên: “Không hài lòng, đau xót về việc thu nhập bình quân của người dân mình quá thấp mà chi phí cho vận tải lại quá cao”.

Phần “quá cao” ấy là do đâu? Người biết rõ nhất chính là các hãng taxi, cùng với đó chính là các cơ quan thẩm định. Trả lời câu hỏi tại sao giá cước vận tải không giảm hay giảm nhỏ giọt, trách nhiệm lớn nhất chính là các cơ quan thẩm định. Vì hiện tại, tất cả các đơn vị vận tải đều không làm sai quy định, họ đang áp dụng mức giá được chính các cơ quan thẩm định cho phép.

Trong một diễn biến khác, ngày 19-2, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã chính thức gửi văn bản tới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải với nội dung yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại giá cước vận tải để phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu. Lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay và giá tính trong phương án giá cước lần kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ôtô tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc niêm yết giá cước theo quy định.

Với yêu cầu trên của Bộ Tài chính, hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc một cách có trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Việc tăng hay giảm giá cước vận tải phải trên cơ sở tính toán minh bạch, công khai và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, chứ không chỉ đơn thuần là việc “thống nhất với nhau” một cách tù mù giữa các doanh nghiệp vận tải. Dù giảm ít hay giảm nhiều mà minh bạch thì cũng chẳng có cái cớ nào gây bức xúc cho người dân.