Giảm bớt số tội danh có mức án tử hình

ANTĐ - "Phải tôn trọng ý kiến của nhân dân". Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần thảo luận về một số nội dung của Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 16-10. 

Giảm bớt số tội danh có mức án tử hình ảnh 1Hình phạt tử hình đối với những kẻ chủ mưu, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn là cần thiết hiện nay (Trong ảnh: Lực lượng công an truy bắt đối tượng vận chuyển ma túy tại vùng biên)

Quy định rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), quy định  trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, được đông đảo người dân đồng tình. Việc bổ sung TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân. Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, UBTVQH cho rằng, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, UBTVQH đề nghị chưa nên bổ sung quy định này và giữ  nguyên quy định tại các điều 35, 36 dự thảo.

Liên quan đến quy định bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, hầu hết người dân tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo. Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy... Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy hoặc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Về không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, UBTVQH nhận thấy, quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, về một số nội dung trong Dự thảo BLHS (sửa đổi), vấn đề nào đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, được đại đa số người dân đồng tình thì phải tiếp thu và chỉnh sửa lại theo ý kiến đó, không ra nhiều phương án khác nhau. Bên cạnh đó, không nên để các luật khác quy định về tội phạm và hình phạt ngoài BLHS, đồng thời cần giảm bớt càng nhiều càng tốt tội có mức án tử hình.

Tòa án không có quyền từ chối vì lý do thiếu luật

Trong phần thảo luận về Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS), liên quan đến quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo, theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công để thụ lý vụ án, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.

Về vị trí, vai trò, sự tham gia và việc phát biểu quan điểm của VKSND, hầu hết ý kiến đều thống nhất quan điểm VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH cho rằng, cần thiết quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình.

Cho ý kiến về sự tham gia xét xử các vụ án lao động của Hội thẩm là đại diện của tổ chức Công đoàn, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu, các vụ án lao động có nhiều đặc thù riêng so với các vụ án dân sự khác; người lao động được coi là người yếu thế trong quan hệ lao động.

Luật Công đoàn có quy định về chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể lao động và người lao động trước Tòa án. Do đó, Dự thảo Bộ luật TTDS đã quy định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong tố tụng dân sự. Khi xét xử vụ án lao động, trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm có Hội thẩm nhân dân là đại diện Công đoàn, nhưng nên chọn người có hiểu biết về pháp luật lao động.  

Không giảm án với người được ân giảm từ tử hình xuống chung thân

Đó là sự đồng thuận và nhất trí cao trong số hàng triệu ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi được đại diện Bộ Tư pháp cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2015, tổ chức vào hôm qua 16-10.
Qua công tác tổng hợp cho thấy, Dự thảo Bộ luật đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân và đa số đều cùng quan điểm với Chính phủ về 7/8 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến.

Cụ thể là bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân và loại tội pháp nhân phải chịu TNHS; phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý bằng hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp và quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; thay thế tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng những tội danh cụ thể; bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng và bãi bỏ một số loại tội phạm, đồng thời bổ sung thêm một số loại tội phạm mới.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tư pháp còn giải đáp và thông tin với báo chí nhiều vấn đề, nội dung liên quan tới hoạt động, chức năng của cơ quan này. Trong đó, đáng chú ý là Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước - Nguyễn Văn Bốn khẳng định, hiện ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã nhận đủ số tiền bồi thường oan sai hơn 7,2 tỷ đồng.          
            
Trịnh Tuyến