Giải tỏa “nút cổ chai”

(ANTĐ) - Mới đây mà đã tròn hai năm nước ta gia nhập WTO. Hai năm, nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế dù đã có những điểm sáng đáng mừng nhưng chưa đủ sức lan tỏa. Nhiều cơ hội lớn chưa được tận dụng do còn tồn tại nhiều “nút cổ chai”. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Sự biến động của thị trường thế giới đang tác động mạnh đến sản xuất, xuất khẩu, trong khi khả năng dự báo kinh tế không khá hơn dự báo thời tiết.

Giải tỏa “nút cổ chai”

(ANTĐ) - Mới đây mà đã tròn hai năm nước ta gia nhập WTO. Hai năm, nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế dù đã có những điểm sáng đáng mừng nhưng chưa đủ sức lan tỏa. Nhiều cơ hội lớn chưa được tận dụng do còn tồn tại nhiều “nút cổ chai”. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Sự biến động của thị trường thế giới đang tác động mạnh đến sản xuất, xuất khẩu, trong khi khả năng dự báo kinh tế không khá hơn dự báo thời tiết.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm sáng thấy rõ nhất là đã thực thi nhiều thay đổi về chính sách kinh tế minh bạch hơn và thuận lợi hơn cho phát triển doanh nghiệp, thay đổi lớn về môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo điều kiện đón bắt được cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2008 đã thu hút 59,3 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2007. Hai năm là quãng thời gian quá ngắn ngủi trên cả một chặng đường dài hội nhập.

Hứng khởi ban đầu đã qua đi, giờ là lúc bình tĩnh nhìn nhận những lúng túng. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) cho rằng: “Chúng ta chưa đương đầu tốt trước thách thức là do thể chế chưa hoàn thiện, trình độ, năng lực quản lý yếu”. Đáng quan ngại là những “nút cổ chai” vẫn tồn tại dai dẳng gây “ùn tắc” kinh tế: Hạ tầng giao thông, cảng biển không đáp ứng được nhu cầu, dẫn tới tăng chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Thiếu điện vẫn là nỗi ám ảnh thường trực trong các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Nguồn nhân lực chuyên môn thiếu gay gắt đẩy giá tiền công lên, tranh giành nhân lực cao cấp giữa doanh nghiệp trở nên căng thẳng, công nhân bỏ việc tăng làm tăng chi phí đào tạo. Giá nhà đất và bất động sản làm tăng chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp. Đi tiên phong trên tuyến đầu hội nhập, giới doanh nghiệp là lực lượng mặt đối mặt với áp lực cạnh tranh. Bản thân các doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, WTO mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt họ phải đương đầu với nhiều thách thức.

Chủ tịch các Hiệp hội dệt may, chế biến gỗ và lâm sản, chế biến - xuất khẩu thủy sản… đều lên tiếng: “Phải tăng cường kết cấu hạ tầng, cả phần cứng và phần mềm. Phần cứng là hạ tầng giao thông, bến cảng, điện. Phần mềm là cải cách thủ tục hành chính, hành lang pháp lý… mới có thể “tiêu hóa” được hết cơ hội của hội nhập. Đặc biệt, phải cấp tốc có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ và có trình độ thương mại quốc tế”.

Năm 2008 chưa qua, lạm phát tuy có giảm, nhưng cán cân kinh tế vẫn có “vấn đề”. Năm 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn, lạm phát trong nước và suy thoái kinh tế thế giới đến lúc “ngấm sâu” vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra “ác liệt” hơn. Con đường hội nhập không có đường rẽ, đường tắt. Giải tỏa những “nút cổ chai”, tức là giải quyết những hạn chế thuộc về nội tại để tiến bước thì thách thức sẽ biến thành cơ hội.

Đan Thanh