Giá thuốc tại Việt Nam thấp hơn 10-33% so với khu vực nhưng người bệnh vẫn phải chi lớn

ANTD.VN -Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, giá thuốc của Việt Nam hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Giá thuốc thấp hơn khu vực song người dân đang phải chi cho tiền thuốc chiếm tới gần 50% tổng chi phí khám chữa bệnh

Giá thuốc rẻ nhưng người bệnh vẫn phải chi nhiều

Hôm qua, 11-12, Bộ Y tế đã công bố kết quả đấu thầu tập trung thuốc quốc gia lần thứ nhất với với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic). Kết quả giá thuốc trúng thầu giảm mạnh khoảng 17% so với giá kế hoạch, tiết kiệm được tới 477 tỷ đồng so với phương pháp đấu thầu cũ.

Trên thực tế, ngay cả với phương pháp đấu thầu thuốc riêng lẻ trước đây, dù nhiều mặt hàng thuốc bị đẩy giá cao, song về cơ bản giá thuốc của Việt Nam vẫn được đánh giá là ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, theo dữ liệu khảo sát của IMS (tổ chức giáo dục toàn cầu), giá thuốc nhóm thuốc biệt dược gốc và nhóm thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á ở hầu hết các nhóm tác dụng điều trị (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, điều trị tăng mỡ máu, kháng sinh, ung thư).

Cụ thể, so sánh với 6 nước khác được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Việt Nam), mức giá của Việt Nam đối với thuốc biệt dược gốc thấp hơn 10% mức trung bình của 6 nước, trong khi các nước Indonesia, Philippines, Thailand cao hơn từ 19%- 37%.

Tương tự, đối với thuốc generic của Việt Nam thấp hơn 33% so với mức trung bình của 6 nước, trong khi của Indonesia, Philippines cao hơn 20%-72% và Singapore, Thailand thấp hơn 4%- 19% so với mức trung bình.

Dù vậy, có một điểm mâu thuẫn, bất cập là tổng chi cho thuốc trong tổng chi khám chữa bệnh của người dân Việt Nam lại vẫn ở mức rất cao, chiếu tới gần 50%. Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 26.132 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%; năm 2016 là 31.5419 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế- xã hội.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới nghịch lý trên một phần vì việc đấu thầu đơn lẻ thuốc thời gian qua đã tạo ra một sự chênh lệch giá giữa các tỉnh/ thành khác nhau. Ngay trong một địa phương, giữa các bệnh viện khác nhau cũng có giá chênh lệch đối với cùng một loại thuốc, với cùng một dạng hoạt chất, cùng một dạng bào chế...

Bộ Y tế vừa tổ chức thành công đợt đấu thầu tập trung thuốc quốc gia lần thứ nhất

Thuốc rẻ nhưng vẫn lo

Với việc tổ chức đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, một mặt đã giảm được giá thuốc, mặt khác đã khắc phục được tình trạng “loạn” giá thuốc, song với bản thân người bệnh và ngay cả Sở Y tế các địa phương chưa hẳn đã hết nỗi lo.

Ngay tại Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở các tỉnh/ thành cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Chung phân tích, theo Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Bộ Y tế không quy định các tỉnh, thành phố được thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung do vậy các tỉnh phải giao cho 1 bệnh viện tổ chức đấu thầu.

Điều này gây ra tình trạng quá tải đối với bệnh viện bởi bệnh viện không phải là đơn vị chuyên nghiệp nên việc giải quyết các tình huống sau đấu thầu rất vướng mắc, đặc biệt là giải quyết mối quan hệ với các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin, một số bệnh viện trung ương tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng đã trúng thầu thì có một số mặt hàng lại nhập ít hơn dự trù nhiều, gây khó khăn cho các nhà thầu.

Ngoài ra, trong danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ nên nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng…

Đặc biệt, mô hình bệnh tật hiện có nhiều thay đổi, chưa kể chính sách về khám chữa bệnh cũng liên tục có thay đổi, gần đây nhất là chính sách thông tuyến BHYT ở tuyến huyện.

Thực tế một số thuốc cấp cứu, một số nhà thầu trúng thầu không có khả năng cung ứng tiếp nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu.

“Tuy nhiên, tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Bộ Y tế quy định thuốc đấu thầu đều phải trình UBND TP phê duyệt, vậy nên rất khó đáp ứng kịp thời phục vụ bệnh nhân, có thể dẫn tới tình trạng thiếu một số loại thuốc phục vụ điều trị” – ông Trần Văn Chung phân tích.

Đồng quan điểm, từ góc độ của cơ sở điều trị, ông Vũ Đình Tiến, Trưởng khoa Dược - Bệnh viện K đặt câu hỏi: “Thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài, khi bệnh viện có sự thay đổi về số lượng bệnh nhân và nhu cầu sử dụng thuốc thì thuốc được lấy từ nguồn nào để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân?”.

Cũng theo ông Tiến, thực hiện đấu thầu thuốc tập trung với Bệnh viện K có một điểm rất khó khăn là do trong danh mục đấu thầu đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một hàm lượng, gây khó khăn khi phối hợp liều điều trị cho bệnh nhân…