Giá dịch vụ cao ngất ngưởng trong bệnh viện công

ANTD.VN - Những ngày qua, câu chuyện về phí dịch vụ, giá khám chữa bệnh tự nguyện và phát triển phòng khám theo yêu cầu trong bệnh viện công một lần nữa lại làm nóng dư luận sau khi Bệnh viện Nhi Trung ương bị “tố” thu phí dịch vụ quá cao. Trên thực tế, dịch vụ khám bệnh tự nguyện đang phổ biến ở hầu hết các bệnh viện và mang lại hiệu quả, vấn đề chỉ là khâu quản lý chưa chặt đã làm nảy sinh nhiều biến tướng.

Giá dịch vụ cao ngất ngưởng trong bệnh viện công ảnh 1Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Đắt hơn bệnh viện tư

Theo người nhà bệnh nhân phản ánh, Bệnh viện Nhi Trung ương đang “biến” thành bệnh viện dịch vụ với mức giá khám chuyên khoa cao nhất cả nước, thậm chí đắt hơn cả bệnh viện tư nhân.

Cụ thể, giá một lần khám chuyên khoa không hẹn trước tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 680.000 đồng; giá khám cấp cứu, khám đa khoa không hẹn trước, khám chuyên khoa có hẹn trước là 580.000 đồng, tái khám chuyên khoa giá 390.000 đồng… Mặt khác, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sử dụng 20-25% tổng số giường bệnh làm giường điều trị dịch vụ cho các bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong khi tình trạng quá tải tại bệnh viện vẫn khá trầm trọng.

Trước phản ánh này, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lên tiếng cho rằng, giá dịch vụ theo yêu cầu của bệnh viện đều được báo cáo thu chi với Bộ Y tế, mức giá trên đã tính đủ thu bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, hỗ trợ bệnh nhân nghèo.  

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương mà hầu hết bệnh viện công trên cả nước đều đã tổ chức dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu hoặc phòng điều trị tự nguyện, đáng chú ý là giá khám và điều trị dịch vụ ở mỗi bệnh viện quy định một kiểu. Nếu giá khám của Bệnh viện Nhi Trung ương từ 390.000-680.000 đồng/lượt thì các nơi khác, tuy thấp hơn, cũng dao động từ 200.000-300.000 đồng/lượt.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, phòng dịch vụ loại 2 giường có tivi, máy lạnh giá 1,4 triệu đồng/giường/ngày, đêm; tại Bệnh viện Bạch Mai, giá phòng dịch vụ từ 500.000 - 2 triệu đồng/người/ngày, đêm; Bệnh viện Việt Đức, phòng dịch vụ 2 giường, giá 750.000 đồng/bệnh nhân/ngày, đêm…

Việc các bệnh viện mở khu vực dịch vụ theo chủ trương xã hội hóa y tế, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu của bệnh viện đồng thời làm giảm áp lực ngân sách là đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế lại đang tồn tại nhiều điều bất cập, sai phạm. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện công chỉ được phép sử dụng tối đa 25% số giường điều trị trong bệnh viện để điều trị dịch vụ và không được để ảnh hưởng tới các bệnh nhân khác, thế nhưng có những nơi  dù bệnh nhân đang phải nằm ghép song bệnh viện vẫn tiếp tục mở thêm phòng điều trị tự nguyện, mà Bệnh viện Nhi Trung ương là một ví dụ.

Ngoài ra, chất lượng các phòng bệnh dịch vụ ở nhiều bệnh viện công cũng không giống nhau, thậm chí có phòng bệnh dịch vụ giá khách sạn “3 sao” mà tường nhà rêu mốc… Hệ quả là người bệnh nghèo phải tiếp tục nằm ghép và người bệnh nằm điều trị theo yêu cầu cũng chưa thể hài lòng. 

Cần minh bạch, tránh làm tổn thương người nghèo

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đang lấy ý kiến về việc siết chặt các điều kiện và mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, trong đó đưa ra mức giá trần khám dịch vụ tối đa tại bệnh viện công ở Hà Nội và TP.HCM là 200.000 đồng, giá giường dịch vụ tối đa 2,2 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Việc Bộ Y tế kiểm soát mức giá khám, chữa bệnh dịch vụ tại các bệnh viện công là cần thiết nhưng mức trần không nên quá thấp. Có một thực tế hiện nay là các khoa khám dịch vụ yêu cầu tại các bệnh viện công ở nước ta vẫn hoạt động theo kiểu “nửa chừng”, chất lượng nhiều khi chỉ nhỉnh hơn một chút so với khám Bảo hiểm y tế và mức giá cũng không cao hơn nhiều. Vì thế không chỉ người có thu nhập khá mà thậm chí cả người nghèo cũng có thể cố gắng chi trả được, hệ quả là nhiều khoa khám dịch vụ, yêu cầu của bệnh viện cũng quá tải trầm trọng. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, nhiều người không chấp nhận hình thức khám, chữa bệnh dịch vụ kiểu này nên quyết định ra nước ngoài điều trị. Nhấn mạnh việc đầu tư phòng khám, trang thiết bị trong y tế rất tốn kém, ông Nguyễn Ngọc Hiền phân tích: Muốn thay đổi chất lượng thì phải có chính sách khuyến khích được các bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại để giữ chân bệnh nhân. Nếu giữ được bệnh nhân, các bệnh viện mới có điều kiện thúc đẩy chất lượng dịch vụ và từ đó mới có nguồn để đầu tư ngược lại cho người nghèo.

Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Hiền cũng nhấn mạnh, phát triển khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công phải đồng thời với những chính sách bảo vệ người bệnh nghèo. “Ngoài việc tổ chức số phòng, giường dịch vụ theo đúng quy định, các bệnh viện công phải cố gắng tổ chức được các khoa khám chữa bệnh dịch vụ, phòng điều trị yêu cầu riêng, tách biệt với khu khám chữa bệnh thông thường để tránh làm tổn thương đến người nghèo. Để phòng dịch vụ, giường dịch vụ nằm lẫn lộn trong cùng một khu, một khoa với người bệnh thông thường, nhìn vào phòng bệnh bên này người bệnh quá khổ, phòng bên điều kiện lại quá tốt thì khó tránh khỏi bức xúc”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền nêu quan điểm.  

Tương tự, theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, các cơ sở y tế đang hoạt động theo mô hình công - tư lẫn lộn. Đó là việc các bệnh viện công lợi dụng các đầu tư công như phòng ốc, trang thiết bị y tế để khám dịch vụ, thu lợi cho bệnh viện, trong khi phòng và trang thiết bị do Nhà nước đầu tư để khám bệnh đại trà. Vì thế, nếu không minh bạch dịch vụ trong bệnh viện công thì không những làm mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh mà còn dễ làm nảy sinh tiêu cực, bức xúc.