Giá đắt vẫn phải trả

(ANTĐ) - Đôi khi trong cuộc sống, có những trường hợp biết chắc là giá đắt nhưng vẫn phải trả, nếu như nó thực sự đáng giá. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thông điệp tới nhân dân cả nước, trong đó nhấn mạnh: “Nói kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu có nghĩa là không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra cuối năm 2007, mà phải tập trung sức kiềm chế bằng được lạm phát, phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng giá giảm dần”. Thủ tướng còn khẳng định: “Chống lạm phát đòi hỏi sự trả giá và đánh đổi”.

Giá đắt vẫn phải trả

(ANTĐ) - Đôi khi trong cuộc sống, có những trường hợp biết chắc là giá đắt nhưng vẫn phải trả, nếu như nó thực sự đáng giá. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thông điệp tới nhân dân cả nước, trong đó nhấn mạnh: “Nói kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu có nghĩa là không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra cuối năm 2007, mà phải tập trung sức kiềm chế bằng được lạm phát, phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng giá giảm dần”. Thủ tướng còn khẳng định: “Chống lạm phát đòi hỏi sự trả giá và đánh đổi”.

Sự trả giá rõ rệt nhất khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá là mọi người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, Nhà nước phải giảm chi tiêu công 10%, cắt giảm những dự án kém hiệu quả, siết chặt chính sách tiền tệ. Trong sự rủi ro của nền kinh tế lại chính là cái may, là cơ hội cho một cuộc tổng rà soát lại cơ cấu kinh tế, một cuộc cải cách sâu rộng. Nếu như chỉ sau 3 tháng đầu năm nay, lạm phát không lên đến 9,19% và nhập siêu  không đạt “kỷ lục” 7,4 tỷ USD, có lẽ Chính phủ vẫn chưa quyết tâm và quyết liệt trong chủ trương chỉnh đốn lại việc đầu tư công hoặc thắt chặt chi ngân sách, đồng thời cũng chưa quy định buộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phải đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh không thấp hơn 70% tổng vốn đầu tư; đối với các ngành nghề kinh doanh khác phải là ngành nghề liên quan, trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề chính và không vượt quá 30%.

Thật ngẫu nhiên, một diễn đàn quốc tế bàn về chuyển đổi kinh tế năm 2008 vừa diễn ra tại Hà Nội. Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và nước ngoài đã có dịp “mổ xẻ” những rủi ro của nền kinh tế nước ta và những cái giá phải trả. Trưởng ban nghiên cứu Chính sách hội nhập kinh tế Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, rủi ro không chỉ phát sinh từ các thách thức mà thậm chí cả từ cơ hội. Nếu không gắn việc thúc đẩy tăng trưởng và cải cách cấu trúc, thể chế thì “chắc chắn khi thời cơ và thách thức ập đến, cơ hội sẽ đè bẹp thể chế. Một thể chế yếu sẽ không thể tận dụng được các cơ hội lớn”. “Trong cái rủi có cái may”.

Nước ta chưa tự do hóa tài khoản vốn. Bên cạnh đó, nếu Việt Nam không mở cửa trong nước, thì dù thực hiện đầy đủ cam kết WTO cũng chỉ mang lại lợi ích nhỏ bé. Bởi vì 80% lợi ích từ cam kết WTO chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng, chỉ có 20% còn lại cho các doanh nghiệp trong nước. Bản thân Trung Quốc, nước đổi mới trước Việt Nam cũng đang phải trả giá cho mâu thuẫn lớn giữa tiềm năng tăng trưởng kinh tế nóng và các cơ chế cho tăng trưởng. Quốc gia này còn coi cải cách hệ thống tài chính là chìa khóa mở cánh cửa cải cách toàn diện trong thời kỳ mới. Họ đặt mục tiêu quan trọng nhất là tách cơ quan điều hành và giám sát để hình thành cơ cấu quyền lực và cơ chế thực hiện quyền kiểm tra lẫn nhau một cách hiệu quả và điều phối trong cơ quan hoạch định; cơ quan thi hành và cơ quan giám sát.

Diễn biến kinh tế trong hơn 3 tháng đầu của năm thứ hai hội nhập WTO, thực ra là cơ hội để có cái nhìn tỉnh táo về những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế, của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, đặc biệt là cơ chế điều hành giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Dù giá đắt mấy vẫn phải trả. Đã đến lúc phải chuyển đổi ngân hàng Nhà nước thành một ngân hàng Trung ương lo giữ giá cho đồng tiền. Đã đến lúc phải dứt khoát tách khỏi Bộ Tài chính những cơ quan độc lập không có chức năng hoạch định chính sách ngân sách như Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Đan Thanh