Giá cả vẫn trong vòng kiểm soát

(ANTĐ) - Hôm qua, 20-5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển khá nhanh. Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn song Chính phủ khẳng định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII:

Giá cả vẫn trong vòng kiểm soát

(ANTĐ) - Hôm qua, 20-5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển khá nhanh. Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn song Chính phủ khẳng định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Mục tiêu giữ lạm phát dưới 7% đang là thách thức lớn
Mục tiêu giữ lạm phát dưới 7% đang là thách thức lớn

Phục hồi nhưng chưa ổn định

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Khái quát lại tình hình những tháng gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, do kinh tế thế giới đang dần được phục hồi và sự tác động tích cực của các chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước nên kinh tế nước ta phục hồi và phát triển khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn so với quý I-2009 và của cả năm 2009 (tốc độ tăng GDP quý I-2010 là 5,83%; quý I-2009 là 3,14%; cả năm 2009 là 5,32%).

Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những chuyển biến tích cực. Thị trường trong nước ngày càng mở rộng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng khoảng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9% ... Phó Thủ tướng phát biểu: “Kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2010 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và các địa bàn trọng điểm và an sinh xã hội được bảo đảm”.

Tuy thế, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định. Chẳng hạn, lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao (tuy gần đây đã có chiều hướng giảm) đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vai trò điều tiết thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nơi, có lúc làm chưa tốt; sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí.

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống nhân dân và từng bước cải thiện phúc lợi xã hội. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế”.

Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Phú Trọng

Cũng theo Phó Thủ tướng, chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất là trong xây dựng thể chế, triển khai, kiểm tra thực hiện các chính sách và trong điều hòa, phối hợp giữa các ngành, các cấp. Nhận định “chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm tăng 4,27% so với tháng 12-2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây”, song, Phó Thủ tướng khẳng định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

GDP sẽ đạt 6,5%

Phân tích về diễn biến sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc. Ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, toàn bộ hệ thống sẽ tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhằm tiến tới mức tăng GDP 6,5% cho cả năm 2010. Cùng với đó, các giải pháp phát triển văn hóa xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội, cải cách hành chính, tăng cường an ninh, quốc phòng, đối ngoại... cũng được đặc biệt chú trọng.

Thắt chặt tiền tệ làm khó doanh nghiệp

Nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, báo cáo thẩm tra của UBn Kinh tế làm rõ thêm một số vấn đề trọng yếu. Cụ thể, các cân đối vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Bội chi ngân sách Nhà nước ở mức cao (115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP). Nhập siêu ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu). Nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP (số báo cáo tại kỳ họp thứ 6 là khoảng 40% GDP), mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng về số tuyệt đối là rất lớn...

“Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Công nghiệp và xây dựng tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn, trì trệ nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp”.

Phó Thủ tướng
Nguyễn Sinh Hùng

“4 tháng đầu năm, vòng xoáy nhập siêu - suy giảm giá trị đồng nội tệ - lạm phát - áp lực điều chỉnh tỷ giá - lạm phát gây thách thức lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ông Hà Văn Hiền -
Chủ nhiệm UB Kinh tế

Nhìn tới những tháng cuối năm 2010, ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội không khỏi lo lắng về chỉ số giá tiêu dùng. Ông nói: “Việc thực hiện chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7% trong năm 2010 là thách thức rất lớn. Bày tỏ băn khoăn về điều hành vĩ mô thời gian qua, đại diện UB Kinh tế phản ánh: “Chủ trương từng bước giảm bớt mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát cao trở lại trong năm 2010 khi kinh tế đã phục hồi và doanh nghiệp bớt khó khăn là rất đúng.

Tuy nhiên mức thắt chặt chính sách tiền tệ như trong thời gian qua là quá mạnh đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nên, UB Kinh tế cho rằng, giải pháp hàng đầu trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm 2010 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và yêu cầu kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính thanh khoản nền kinh tế; có chính sách hướng nguồn vốn tín dụng tới những khu vực kinh tế thật sự có hiệu quả”.

Chính Trung