Ghìm lãi suất cho vay

ANTĐ - Từ cuối năm 2015 sang tháng 1-2016, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng chủ yếu ở các kỳ ngắn hạn, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động. Nó cũng phản ánh sự căng thẳng thanh khoản của các tổ chức tín dụng và thu hẹp cơ hội tiếp tục giảm lãi suất cho vay như kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Việc tăng lãi suất không chỉ xuất hiện tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, mà còn có sự nhập cuộc của không ít các “ông lớn”.

Trong những ngày đầu xuân Bính Thân, nhiều ngân hàng đã công bố mức lãi suất huy động VND với mức tăng từ 0,1-0,7%/năm. Để chấn chỉnh thị trường lãi suất trước khi nó có thể đi chệch “đường ray” quy định, ngay trước Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu cần chấp hành đúng quy định về mức lãi suất huy động. 

Theo đó, không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách”, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Cho dù đã bật “đèn đỏ” kịp thời, song vấn đề tăng lãi suất vẫn làm cho nhiều doanh nghiệp băn khoăn, lo ngại. Việc hầu hết các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, theo giới chuyên gia, đã phần nào phản ánh thực tế thanh khoản dù khá dồi dào, nhưng đã có sụt giảm từ cuối năm ngoái sang tháng đầu năm nay.

Tuy vậy, còn có yếu tố là các ngân hàng có nhu cầu bổ sung thanh khoản bởi việc tăng trưởng mạnh tín dụng năm 2015 lên tới 18% trong khi tỷ lệ huy động tăng trưởng thấp hơn buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để giữ dòng vốn không chảy ra khỏi nhà băng. Khi thị trường lãi suất “nóng” lên từ cuối năm ngoái và đến thời điểm này vẫn chưa hề nguội đi, giới chuyên gia ngân hàng coi đó là cảnh báo sớm cho hệ thống ngân hàng không thể lơ là trước sức ép phải giữ vững mặt bằng lãi suất cho vay ổn định để trợ giúp doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, năm 2016, việc giữ lãi suất ổn định là một thách thức bởi nhiều yếu tố gây áp lực lớn như: lạm phát được dự báo quanh mức 4-5%; mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng năm 2015 phần nào phản ánh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng. Dù áp lực như vậy, song, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ có các giải pháp, công cụ điều hành mới nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Đó là ổn định và cố gắng giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn. Trong khi đó, nhiều tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cho rằng, năm nay có nhiều yếu tố thúc đẩy lãi suất tăng lên, khó có thể giúp mặt bằng lãi suất giảm thêm.

Có thể thấy, cả năm 2016, hệ thống ngân hàng phải chịu 2 áp lực lớn. Củng cố sức hấp dẫn của huy động tiền đồng thông qua công cụ lãi suất nhằm chống đô la hóa nền kinh tế. Trong khi đó, phải giải bài toán lãi suất, ghìm lãi suất cho vay để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Đó là áp lực kép, thách thức lớn, đòi hỏi sự điều hành mềm dẻo, uyển chuyển của Ngân hàng Nhà nước.