“Ghét tiền” và phút trải lòng của một học sinh Hà Nội-Amsterdam

ANTĐ - “Độc đáo” là lời nhận xét của giáo viên Văn trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam về bài văn của một học sinh lớp 11 chuyên Lý. Câu chuyện về cuộc sống thực đầy vất vả, đánh vật với đồng tiền của gia đình cậu học trò này khiến giáo viên, bạn bè và bất cứ ai đọc đều xúc động. Qua đó, một góc nhìn khác về học sinh của ngôi trường vốn được coi là trường “con nhà giàu” đã được thừa nhận.


Nghị lực đáng khâm phục

“Cô đã hơn một lần bị bất ngờ và xúc động khi chấm bài của Hiếu. Đây là một bài văn chưa thực đủ ý, đôi chỗ diễn đạt chưa tốt nhưng thực sự độc đáo và rất đáng quý ở sự chân thành và nghị lực của em”. Đây có thể là lời nhận xét mà học sinh nào cũng mong muốn được giáo viên dành cho bài văn của mình. Điểm 9 thực sự là điểm số xứng đáng không chỉ đơn giản cho bài viết mà cho cả sự trưởng thành và nghị lực của Nguyễn Trung Hiếu trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình cậu.

Ngay sau khi được đăng tải trên mạng, bài văn đưa ra quan điểm bản thân về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống của Hiếu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc và giành được rất nhiều bình luận tốt và chia sẻ. “Cảm ơn em đã chia sẻ! Anh chắc chắn rằng bài văn của em đã lấy đi rất nhiều nước mắt của mọi người, đã làm cho nhiều người lắng lòng mình lại, cảm nhận lại giá trị thực sự của cuộc sống. Cho dù chỉ là một phút lắng lòng, một chút nước mắt thôi, em đã làm cho cuộc sống này thật đẹp biết bao, ý nghĩa biết bao khi cuộc sống vẫn còn tràn đầy tình yêu thương, sự hy sinh và lòng biết ơn...”, bạn đọc Trịnh Anh Tuấn chia sẻ qua mạng.

Điều mà nhiều người cảm nhận được ở Nguyễn Trung Hiếu là sự chững chạc và đầy cảm xúc trước những vật lộn hàng ngày với bệnh tật, với sinh hoạt của gia đình. “Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai...”. Hiếu nói Hiếu “ghét tiền” bởi “vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận....”, bởi thay vì tốn vài chục nghìn đi xe ôm mẹ quyết định đi xe buýt để “mỗi khi về nhà, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì...”. Còn nỗi sợ đồng tiền của Hiếu chính bởi đồng hành với nó là nỗi sợ mất mẹ. “Mẹ đã phải 4 lần đi cấp cứu rồi. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …”.

Nhịn quà sáng để “chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ”, Hiếu tâm sự “dù đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa”.

Những hoạt động âm thầm

Nói về Nguyễn Trung Hiếu, bà Lê Thị Oanh, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết, Hiếu là một trong khá nhiều học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn của trường. “Ngoài việc miễn học phí cho Hiếu, nhà trường cũng vận động được các doanh nghiệp, cá nhân để thông qua Ban đại diện Cha mẹ học sinh dành học bổng để chia sẻ phần nào khó khăn của gia đình em”- Bà Lê Thị Oanh cho biết. “Nhiều người nghĩ rằng học sinh trường Hà Nội- Amsterdam toàn con nhà giàu. Chúng tôi không muốn thanh minh nhưng quả thật, 26 năm công tác ở trường, tôi đã gặp rất nhiều em học giỏi nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và rất cần có sự hỗ trợ của cộng đồng”.

Được biết, một trong những hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực của trường Hà Nội- Amsterdam là phong trào nhà giáo đỡ đầu cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hỗ trợ của các thầy cô, nhiều học sinh như Hiếu có thể được tặng sổ tiết kiệm, được hỗ trợ học phí học thêm... Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Oanh thì: “Các hoạt động này khó thống kê để thông báo cụ thể bởi thường diễn ra khá âm thầm. Nhiều giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn khi biết được hoàn cảnh khó khăn của học sinh thì trực tiếp hỗ trợ cho các em theo khả năng của mình chứ không thông báo với nhà trường”. Sở dĩ như vậy, theo bà Lê Thị Oanh là do học sinh ở độ tuổi này đã có suy nghĩ khá chín chắn. Tuy nhiên các em cũng rất tự trọng và không phải ai cũng sẵn lòng công khai những khó khăn của mình. “Nếu có hỗ trợ, chúng tôi chỉ làm việc với giáo viên chủ nhiệm là chính. Chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới hiểu tâm tính các em cũng như nắm bắt được hoàn cảnh gia đình cụ thể. Tiếp cận với các em và giúp đỡ như thế nào để các em không mặc cảm, tự ti là điều chúng tôi đặt lên hàng đầu”.

Nói về sự chia sẻ đầy tình cảm trong một bài viết được cộng đồng đánh giá cao lại xuất phát từ một nam học sinh học khối tự nhiên như Nguyễn Trung Hiếu, bà Lê Thị Oanh cho biết, đây cũng là một điểm mạnh của học sinh trường Hà Nội-Amsterdam bởi với mong muốn giúp các em phát triển toàn diện, ngoài việc học tập thật tốt, nhà trường luôn có các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều chủ đề để phát huy khả năng chia sẻ, giao tiếp, giúp đỡ giữa bạn bè với nhau, giữa các thành viên gia đình của mình... “Các kỹ năng này góp phần không nhỏ cho sự trưởng thành của học sinh trong trường. Các em đã thực sự biết nhìn nhận tình yêu của cha mẹ, thầy cô và chia sẻ với khó khăn của bản thân, bạn bè và cả với cộng đồng... thay vì chỉ nghĩ đến bản thân” - Bà Lê Thị Oanh cho biết.